Ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại diễn đàn Thời gian qua, lãnh đạo NHNN và toàn ngành ngân hàng đã tích cực triển khai các nhiệm vụ chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả tích cực.
“Kinh nghiệm chuyển đổi số nhanh, hiệu quả, bền vững của ngành Ngân hàng sẽ là kinh nghiệm hữu ích cho các ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đánh giá.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực trong quá trình triển khai Nghị quyết 52, theo ông Trần Tuấn Anh, thực tiễn vẫn còn nhiều hạn chế cần phải được khắc phục, nhất là pháp luật, cơ chế, chính sách cần phải đẩy nhanh và cập nhật kịp thời, hoàn thiện để phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, trước hết là pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư, kinh doanh, dữ liệu và quản lý dữ liệu, giao dịch điện tử, phát triển công nghiệp công nghệ số.
Chia sẻ cụ thể hơn về thành quả chuyển đổi số của ngành ngân hàng thời gian qua, ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN cho biết, thực tế nhiều ngân hàng Việt Nam có trên 90% giao dịch trên kênh số; các công nghệ phổ biến của CMCN 4.0 như Trí tuệ nhân tạo, Máy học, Dữ liệu lớn… đều đã được nghiên cứu, ứng dụng tại nhiều ngân hàng Việt Nam.
Ông Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Diễn đàn Tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hàng năm đạt hơn 90%. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh đã góp phần gia tăng nhanh chóng nhu cầu giao dịch thanh toán trên các kênh số nhưng hạ tầng công nghệ, thanh toán của ngành ngân hàng vẫn đảm bảo hoạt động thông suốt, an toàn cho thấy ngành Ngân hàng đã chủ động trong đầu tư, phát triển hạ tầng để bắt kịp được với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của thị trường và đáp ứng tốt nhu cầu, kỳ vọng của khách hàng, người dân.
Tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số toàn diện
Chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình xây dựng chiến lược chuyển đổi số trong doanh nghiệp, ông Colin Richard Dinn - Giám đốc Ngân hàng số Vietcombank cho biết, thuở ban đầu, chuyển đổi số được nhấn mạnh là số hoá các dịch vụ, sản phẩm hiện hữu, hiện đại hoá nền tảng công nghệ thông tin, tuy nhiên thực tế đây mới là số hoá, còn chuyển đổi số phải là một quá trình toàn diện. Trong đó, định hướng khách hàng là trọng tâm; tạo ra tập sản phẩm, dịch vụ đa dạng thông qua tạo lập quan hệ đối tác và hệ sinh thái số; tạo ra các mô hình kinh doanh mới; thay đổi nhanh chóng thông qua công nghệ và số hoá.
Còn tại TPBank, ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc ngân hàng cho rằng, chuyển đổi số phải bắt đầu từ người lãnh đạo, chuyển đổi số thành công không chỉ là chiến lược, định hướng đề ra mà từng cá nhân của ngân hàng đều phải nắm vững.
Chuyển đổi số không phải nhiệm vụ của Khối Công nghệ. Từng cá nhân trong ngân hàng đều là các mắt xích quan trọng, vì họ chính là chuyên gia và người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình. Không nên số hoá những cách làm cũ mà cần thiết kế lại cả giải pháp chuyển đổi số toàn diện.
Bà Nidhi Arora - Phó Chủ tịch phụ trách kinh doanh và dịch vụ, khối dịch vụ và dữ liệu, Mastercard cho rằng, chuyển đổi số tại các nhà băng đang diễn ra mạnh mẽ, tuy nhiên, hiện ngân hàng cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề như tội phạm mạng; chuyển từ thí điểm sang ứng dụng ngân hàng số ở quy mô rộng hơn… chính vì vậy mỗi ngân hàng phải định hình lại chiến lược chuyển đổi số trong tương lai.
Bà Nidhi Arora đưa ra hai gợi ý. Thứ nhất, ngân hàng cần một mô hình tích hợp, cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ càng đa dạng càng tốt để đem đến trải nghiệm tốt nhất cho người dùng mà các dịch vụ ngân hàng truyền thống chưa đáp ứng được. Thứ hai, cần tạo ra trải nghiệm thực sự khác biệt cho khách hàng, đóng gói sản phẩm dịch vụ được cung cấp bởi nhiều tổ chức khác nhau, từ đó tạo ra một hệ sinh thái trọn vẹn.
Toàn cảnh Diễn đàn cấp cao diễn ra vào chiều ngày 11/10 Ngoài ra, nhiều vụ việc lừa đảo người dùng xảy ra trong thời gian qua đã cho thấy, cơ chế xác thực phổ biến hiện nay dựa trên Password hay OTP đã quá lỗi thời và nhiều bất cập. Theo ông Đỗ Ngọc Duy Trác - Tổng Giám đốc VinCSS, hiện tại công nghệ xác thực mạnh đa khoá không mật khẩu (Passwordless MFA) theo chuẩn FIDO2 quốc tế đã có thể triển khai diện rộng với chi phí rất thấp, bất kỳ người dùng nào có điện thoại thông minh đều có thể tiếp cận dễ dàng.
Về việc ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) tại các ngân hàng, ông Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc, FPT Smart Cloud cho rằng, đã có nhiều ngân hàng mạnh dạn tiên phong thử nghiệm AI nhưng cũng không ít ngân hàng khá thận trọng. Vì vậy, ông Việt đề xuất, đối với Việt Nam, để thúc đẩy nhanh sự phát triển của công nghệ mới, khi công nghệ đó chưa rõ ràng, cơ quan quản lý có thể đưa ra hướng dẫn để các tổ chức làm theo. Riêng bài toán về dữ liệu - nguồn tài nguyên vô giá để phát triển ngân hàng số, lãnh đạo FPT Smart Cloud cho rằng, việc phân loại hệ thống thông tin đang bị lẫn giữa mức độ mật của thông tin và năng lực xử lý, tính toán của hệ thống. Vì vậy, nhiều hệ thống vốn dĩ chạy hiệu quả trên điện toán đám mây lại gặp trở ngại vì đưa vào thông tin bí mật. Chính vì vậy cần xem xét lại nội dung này để hỗ trợ các ngân hàng trong việc phát triển dữ liệu, thông qua đó đẩy mạnh phát triển dịch vụ mới.
Bích Đào
">