Tổng Liên đoàn nói trường tự ý họp hội đồng, trưởng bảo không biết lịch Chủ tịch đi nước ngoài
Mới nhất, trong chiều tối ngày 10/6, Tổng Liên đoàn đã gặp một số cơ quan báo chí thông tin: Lãnh đạo nhà trường chống lệnh như nhiều lần không đi họp và có dấu hiệu lạm quyền; chẳng hạn như tự ý tổ chức họp Hội đồng trường (HĐT) khi chủ tịch hội đồng vắng mặt.
Đáp trả điều này, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó hiệu trưởng cho rằng "việc đưa thông tin như vậy là có ý bôi nhọ".
Còn về kiểm toán, ông Sơn lý giải không phải trường có văn bản không đồng ý mà là xin đề nghị dời thời gian kiểm tra. Khi có dự thảo kết luận kiểm tra, nhà trường phản hồi minh bạch.
"Vậy chẳng lẽ, mọi kết luận của đoàn kiểm tra, nhà trường buộc phải tuân thủ cho dù kết luận đó không phản ánh đúng thực tế hoặc/và không đúng với quy định của Đảng, Nhà nước"- ông Sơn phản ứng.
Về lịch làm việc, Tổng Liên đoàn có mời 3 lần. Lần đầu tiên, nhà trường đã cử phó hiệu trưởng và trưởng phòng Tổ chức – Hành chính ra Hà Nội làm việc trực tiếp để xin hoãn họp vì đang có quá nhiều sự kiện lớn diễn ra tại trường. Nhà trường chưa thể sắp xếp ngay sau Tết Nguyên đán, việc dời đã được chủ tịch Tổng Liên đoàn đồng ý. Thư mời lần 2 mời trùng lịch họp HĐT (đã gửi thư mời và báo Tổng Liên đoàn trước khi Tổng Liên đoàn mời). Ngay sau đó, nhà trường đã cử lãnh đạo trường ra dự họp.
Về tổ chức họp HĐT, trong quy chế có ghi HĐT họp thường kỳ 6 tháng/lần và họp bất thường khi có đề nghị bằng văn bản của trên 30% tổng số thành viên, hoặc có đề nghị của hiệu trưởng hay chủ tịch hội đồng.
"Trường đã gửi thư mời chủ tịch HĐT nhưng không có phản hồi. Đến đúng ngày họp mới nhận được thông báo là chủ tịch đi nước ngoài. Trước đó, trường không biết lịch của chủ tịch và cũng không được Chủ tịch HĐT báo là không dự họp được. Cuộc họp diễn ra đúng quy định".
Vị phó hiệu trưởng lập luận rằng, theo quy chế hiện hành, nhiệm kỳ của HĐT theo nhiệm kỳ hiệu trưởng. Trong khi thời gian nhiệm kỳ của hiệu trưởng sắp hết mà chủ tịch HĐT vẫn không lo cho nhiệm kỳ mới thì để đến tháng 7/2019, không có hội đồng và không có hiệu trưởng, liệu ai sẽ điều hành, quản lý trường?
"Do vậy, việc triệu tập họp của hiệu trưởng là thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu đối với tập thể. Cũng chính vì sự bất cập đó nên Luật 34 (luật Giáo dục ĐH sửa đổi) đã xác định trách nhiệm của chủ tịch HĐT là thành viên chuyên trách cơ hữu của trường để có đủ thời gian và tâm huyết lo cho sự phát triển trường"- ông Sơn nói.
Bất đồng viện dẫn quy định về hội đồng trường và hiệu trưởng
Sáng 10/6, ông Phan Văn Anh viện dẫn Quyết định 158/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường giai đoạn 2015-2017 (được kéo dài thời gian thực hiện theo Nghị quyết 117/NQ-CP ngày 09/11/2017 của Chính phủ) để giải thích vai trò của Tổng Liên đoàn với việc bổ nhiệm chức danh hiệu trưởng. Theo đó, "về công tác quản lý cán bộ, theo phân cấp của Trung ương, các chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường thuộc diện Đảng đoàn Tổng Liên đoàn quản lý và do Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bổ nhiệm.”
Phản bác điều này, đại diện nhà trường cho hay quy định đó không có trong nội dung Quyết định 158 (chưa kể là không phù hợp với Chủ trương của Đảng hiện nay và Luật Giáo dục Đại học sửa đổi).
Cụ thể, tại Điều 1, Mục II, khoản 2, điểm b quy định: “Tuyển dụng, sử dụng và bổ nhiệm nhân sự là cán bộ quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, viên chức trong và ngoài độ tuổi lao động (còn năng lực làm việc) căn cứ vào đề án vị trí việc làm, sau khi được Hội đồng trường thông qua; bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, khách quan; đồng thời, bảo đảm tính cạnh tranh và có tính đến các đối tượng ưu tiên theo quy định”.
Trường muốn vận hành theo luật có hiệu lực từ 1/7, Tổng Liên đoàn dùng luật có thời hạn đến 30/6
Theo nhìn nhận của cán bộ, giảng viên của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Tổng Liên đoàn muốn quyết định người làm chủ tịch Hội đồng trường (HĐT) và hiệu trưởng mà không cần tới ý kiến tập thể và HĐT.
Trong khi đó, nói như đại diện nhà trường"Chúng tôi chỉ kiến nghị 2 nội dung. Thứ nhất, Tổng LĐLĐ Việt Nam phải tuân thủ Luật Giáo dục Đại học sửa đổi và các Nghị quyết của TW Đảng về đổi mới hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Thứ hai, phải tôn trọng HĐT là cơ quan quyền lực cao nhất của trường".
Trước đó, để đáp trả những câu hỏi mà Tổng Liên đoàn đặt ra cho Bộ GD-ĐT, phía trường cho rằng đa số nội dung Tổng Liên đoàn chỉ đạo Hội đồng trường và Ban Giám hiệu không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Chẳng hạn, khi chỉ đạo kiện toàn bộ máy, Tổng Liên đoàn yêu cầu hiệu trưởng là người không được làm quá 2 nhiệm kỳ, theo quy định của Luật Giáo dục Đại học 2012 (ông Lê Vinh Danh làm hiệu trưởng đã làm được 2 nhiệm kỳ).
"Chỉ đạo này không sai, nhưng chỉ có giá trị đến hết 30/6/2019. Trong khi Bộ GD-ĐT thì chỉ đạo chuẩn bị nội dung mới để thực hiện sau 1/7/2019. Như vậy, chỉ đạo của Tổng Liên đoàn là không phù hợp với chỉ đạo của Bộ" - phía trường phản hồi.
Được biết, trong Luật Giáo dục Đại học sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7, không còn quy định hiệu trưởng trường công lập chỉ được làm 2 nhiệm kỳ. Thay vào đó, "Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định và được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận; Nhiệm kỳ hoặc thời hạn bổ nhiệm của hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định trong phạm vi nhiệm kỳ của hội đồng trường, hội đồng đại học".
- Chiều 10/6, ngoài tái khẳng định một số thông tin trước đó, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam còn cho rằng hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng có dấu hiệu lạm quyền.
" alt="“Trường ĐH Tôn Đức Thắng phản pháo Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc 'chống lệnh'" width="90" height="59"/>