"Chị Tuyết ơi, 3 tô bánh canh, 5 cây sườn nha!”
Một thực khách vừa gọi món vừa nhanh tay phụ chủ quán dọn bàn ghế ra khoảng sân trước nhà, khi đồng hồ chỉ vừa điểm 2h30.
"Nói là mở hàng lúc 3h sáng chứ 2h30 là khách đã tìm tới rồi. Ai tới sớm sẽ còn nhiều đồ ăn để lựa chọn, vừa chờ món vừa sẵn tiện phụ bà Tuyết dọn bàn ghế với chén tô luôn. Bà chủ cũng lớn tuổi rồi nên khách tự phục vụ mình là chủ yếu", một nam thực khách chia sẻ.
Bà Tuyết tận dụng khoảng sân trống trước nhà làm không gian cho khách ăn. Quán không có mái che, chỉ có 5-6 bộ bàn ghế nhựa. Đa phần khách đến đây đều đã quen với việc tự phục vụ vì biết bà chủ lớn tuổi. Họ tự tìm tô, tìm muỗng, gọi món theo sở thích, sau đó trả tiền rồi nhanh tay bưng tô bánh canh đến một vị trí nào đó để thưởng thức giữa đêm. Tuyệt nhiên, không một ai phiền toái hay than trách vì điều này.
Kê một chiếc bàn nhỏ ngay phía trước thềm nhà, bà Tuyết đặt gọn gàng lên bàn tô chén, các nguyên liệu như hành lá, hành phi, kế bên là một nồi nước lèo sóng sánh, nóng hổi được đun liên tục trên một chiếc bếp lò xô. "Mỗi ngày tôi bán 2 nồi nước lèo, mỗi nồi khoảng 80 lít nước, đâu đó hơn 100 tô là hết rồi. Thường thì cứ sau hơn 1 tiếng mở bán là hết hàng”, bà Tuyết vừa kể, vừa nhanh tay chan phần nước lèo lên tô, đơm thêm các loại thịt, da, giò heo theo ý khách.
Mỗi ngày bà Tuyết bán khoảng 20kg bánh canh, 30kg thịt, trong đó bao gồm sườn, xương ống, một ít bắp, thịt nạc, da heo và giò. Giá bán ở đây dao động từ 30.000-50.000 đồng/tô. Tuy nhiên đa phần khách thường thích gọi phần thịt riêng để ăn kèm, sườn ống và sườn cây đồng giá 20.000 đồng, giò có giá 7.000 đồng/chiếc, thịt bắp hay da thì tính giá tuỳ theo lượng mà khách gọi.
“Phần thịt được tôi lấy từ các mối lớn, đảm bảo tươi ngon và an toàn. Sau khi nhận thịt, tôi sơ chế để lọc bỏ bụi bẩn, mùi hôi, sau đó hầm. Thịt và xương hầm vào ngày hôm trước, đến khuya thì bắc nước lèo lên hầm và bắt đầu bán cho khách vào 2h30-3h. Tôi không để thịt quá mềm, hầm sao phải giữa được độ dai, giòn thì khách thích hơn”, bà Tuyết chia sẻ.
Vài năm gần đây, do tuổi già sức yếu, bà Tuyết có thêm người em gái hỗ trợ công việc. "Tôi bán bánh canh từ ngày bắt đầu sinh 2 đứa con. Hồi xưa bán vì muốn kiếm tiền nuôi tụi nhỏ ăn học. Giờ hai con thành đạt và ngoài 40 hết rồi, cũng đã có gia đình ổn định nhưng không ai nối nghiệp tôi cả. Chúng nó khuyên tôi nghỉ bán để giữ sức nhưng tôi ráng níu lại, vì bây giờ mà nghỉ thì buồn lắm", bà Tuyết cười, chia sẻ.
Điểm cộng của tô bánh canh tại quán là phần nước chấm. Theo một số khách chia sẻ, bà Tuyết “mách” mọi người kết hợp 4 gia vị gồm mắm, ớt, tiêu, chanh. Nhiều thực khách cũng làm thử và đều bất ngờ với cách kết hợp "đơn giản nhưng hiệu quả" này, họ gọi vui đây là “nước chấm thần thánh”.
Quán "bánh canh ma” của bà Tuyết đã trở thành địa điểm quen thuộc cho nhiều đối tượng khác nhau, từ những người đi ô tô cho đến những thực khách bình dân nhất. Họ có thể là người lao động đi làm về đêm, những bạn trẻ đi làm, đi chơi khuya hay chỉ đơn giản là những thực khách bụng “kêu ọt ọt” ở thời điểm "oái oăm" như thế.
Khánh Huy (SN 1999, quận 10), tan làm ca đêm lúc 3h sáng. Trước khi về nghỉ, anh tranh thủ tạt qua quán bánh canh bà Tuyết tìm món lót bụng. “Mình ăn ở đây cũng 3 năm rồi, mỗi lần ăn là phải gọi một phần bánh canh riêng, một phần thịt và bắp riêng. Giá tổng cộng là 60.000 cho hai phần đầy ắp, no bụng. Nước lèo ở đây ngọt thanh, không quá dầu mỡ mà đặc biệt là bắp heo rất ngon. Không biết sao cô chủ tìm được phần thịt vừa gân vừa da, đêm lạnh lạnh mà gặm thịt chấm thêm miếng nước chấm nó đã kinh khủng”, Huy cười tít mắt chia sẻ.
Một thực khách tới lúc 4h sáng, gọi tô bánh canh với sườn. Bà Tuyết tiếc nuối nói: "Hết trơn rồi, sườn cây hay sườn ống gì cũng hết sạch từ hồi 3 giờ. Bây giờ chỉ còn ít thịt nạc”.
Dù hơi thất vọng vì món tủ đã hết sớm, vị khách vẫn gọi một tô bánh canh thịt để ăn. "Đoạn đường này cũng có 2-3 quán bán giờ này nhưng quán bà Tuyết đông kinh khủng. Nhiều khi bán bánh canh mà nhìn vào cứ tưởng đang đợi giật cô hồn”, vị khách vui tính vừa chia sẻ, vừa cười lớn. "Đến trễ một xíu là hết món mình thích ngay", anh nói thêm.
Chưa đến năm 5h sáng, khách vẫn đến hỏi mua nhưng bà Tuyết chẳng còn gì để bán. Bà rục rịch dọn đồ đạc, kết thúc một buổi bán hàng khi nhiều hàng quán khác mới bắt đầu mở cửa. "Tôi ráng bán thêm ít năm nữa vì sức khoẻ cũng yếu lắm rồi. Tuổi này tôi bán không còn đặt nặng lời lãi, cố trụ lại để có nơi cho người ta ăn đêm lót bụng. Nhiều người lao động khuya mà không có gì ăn thì thấy cũng thương, cũng tội lắm”, bà Tuyết thủ thỉ.
Ảnh và bài: Võ Như Khánh
Theo ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, giai đoạn năm 2008, Việt Nam đạt mốc 20 triệu người dùng Internet, chiếm khoảng 24% dân số. Đến năm 2014, Việt Nam có hơn 40% dân số sử dụng Internet.
Số lượng người sử dụng Internet tại Việt Nam được dự báo sẽ liên tục tăng trong giai đoạn 2024-2029. Ước tính, Việt Nam sẽ có hơn 100 triệu người dùng Internet vào năm 2029.
Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho hay, mỗi giai đoạn phát triển đánh dấu sự thay đổi không chỉ về công nghệ mà còn về văn hóa sử dụng Internet tại Việt Nam. Tương lai của Internet tại Việt Nam sẽ hứa hẹn nhiều đột phá khi công nghệ đang thay đổi nhanh chóng và nhu cầu chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ.
“Cơ hội mở ra cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là rất lớn. Câu hỏi đặt ra là làm sao để doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của thị trường với số lượng người dùng Internet ước tính sẽ đạt hơn 100 triệu người vào năm 2029”, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam đặt vấn đề.
Chia sẻ tại Internet Day 2024, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) ông Nguyễn Thành Phúc nhận định, hạ tầng số đã trở thành hạ tầng chiến lược cho phát triển kinh tế xã hội. Hạ tầng số quan trọng như hạ tầng giao thông, hạ tầng điện và cần được đầu tư trước, có khả năng mở rộng trong tương lai.
Hạ tầng số tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội, mở ra cơ hội mới, không gian phát triển mới cho các doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp viễn thông.
Sự chuyển đổi này được thúc đẩy mạnh mẽ bằng các công nghệ số tiên tiến như trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, 5G và AI. Điều này không chỉ góp phần vào việc đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, giải các bài toán Việt Nam, mà còn góp phần Việt Nam phát triển bứt phá trong thời đại số.
Nhận thức được điều này, Bộ TT&TT đã ban hành Khung phát triển hạ tầng số, thiết lập một khuôn khổ rõ ràng để các doanh nghiệp xác định không gian phát triển mới. Khung phát triển hạ tầng số bao gồm bốn thành phần chính là hạ tầng viễn thông và Internet, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng vật lý số, hạ tầng tiện ích số và công nghệ số.
Chiến lược hạ tầng số của Việt Nam đã xác định một số định hướng lớn bao gồm: Phổ cập cáp quang đến các hộ gia đình, phủ sóng 5G rộng khắp, đảm bảo thông tin liên lạc và trao đổi dữ liệu toàn cầu.
Chia sẻ kỹ hơn, Cục trưởng Cục Viễn thông cho hay, Internet tốc độ cao đóng vai trò quan trọng trong thế giới kết nối. Bộ TT&TT khuyến khích đầu tư mở rộng mạng cáp quang và đảm bảo truy cập Internet cho mọi hộ gia đình Việt Nam.
Năm 2024 đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc triển khai 5G tại Việt Nam với việc đấu giá thành công các băng tần B1 (2.500 - 2.600 MHz), C2 (3.700 - 3.800 MHz) và C3 (3.800 - 3.900 MHz) cho các nhà mạng.
“Viettel, VNPT và MobiFone đã nhanh chóng triển khai thương mại hóa, chính thức cung cấp dịch vụ 5G. Có doanh nghiệp đã lên kế hoạch nâng số trạm 5G của mình đến 2025 đạt 50% số trạm 4G”, Cục trưởng Cục Viễn thông chia sẻ.
Đối với việc đảm bảo thông tin liên lạc và trao đổi dữ liệu toàn cầu, Việt Nam sẽ đưa ít nhất 2 tuyến cáp quang biển mới vào khai thác trong năm 2025. Việt Nam cũng dự định bổ sung thêm ít nhất 8 tuyến cáp quang biển đến năm 2030, nâng tổng dung lượng thiết kế đáp ứng yêu cầu dự phòng tối thiểu “1+2”.
Điều này đảm bảo tính bền vững, an toàn của hạ tầng viễn thông quốc tế, đảm bảo kết nối không bị gián đoạn, tăng cường năng lực băng thông kết nối quốc tế.
Cục trưởng Cục Viễn thông cũng nêu lên một số định hướng chiến lược của Bộ TT&TT. Theo đó, Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ đầu tư xây dựng các trung tâm dữ liệu quy mô lớn, hình thành các trung tâm dữ liệu cho trí tuệ nhân tạo (AI Data Center).
Bộ TT&TT cũng khuyến khích phát triển các nền tảng cung cấp công nghệ số IoT, AI, dữ liệu lớn, chuỗi khối (blockchain), an ninh mạng như dịch vụ. Các nền tảng này sẽ hoạt động như cơ sở hạ tầng mềm thiết yếu, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân khai thác công nghệ, giảm thiểu chi phí đầu tư ban đầu.
Bộ TT&TT đặt mục tiêu đến năm 2030, trung bình mỗi người dân Việt Nam sẽ sở hữu 4 kết nối IoT, đem đến bước tiến quan trọng trong việc kết nối các thiết bị, thu thập dữ liệu và triển khai tự động hóa thông minh trên nhiều lĩnh vực.