Một nam thanh niên bị đột quỵ đang điều trị tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai
Theo PGS Tôn, trong vài tuần qua trung tâm tiếp nhận 60 ca đột quỵ là người trẻ, trong đó 10% dưới 44 tuổi. Chỉ tính riêng 24 giờ qua có 4 bệnh nhân đột quỵ tầm tuổi 30 đến viện cấp cứu giai đoạn muộn.
“Số bệnh nhân trẻ chiếm gần 10% là con số không nhỏ và có xu hướng ngày càng gia tăng. Điều đáng nói, phần lớn bệnh nhân nhập viện muộn và hệ lụy là mất đi cơ hội hồi phục trong giờ vàng. Lý do của việc đến viện muộn là do người trẻ thường chủ quan, không nhận diện rõ các dấu hiệu điển hình của đột quỵ và không nghĩ là đột quỵ có thể xảy ra ở người trẻ tuổi”, PGS Tôn nói.
Với người trẻ, các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ bao gồm: Tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, tăng mỡ máu, hút thuốc, lối sống ít vận động, không lành mạnh, làm việc căng thẳng…
Theo số liệu của Hội Tim mạch Việt Nam, cứ 4 người từ 25 - 49 tuổi thì có một người tăng huyết áp, và đây là nguyên nhân chính gây đột quỵ ở người trẻ.
Ngoài ra, bệnh nhân đột quỵ trẻ còn liên quan đến các yếu tố di truyền, có bất thường về mạch máu, hoặc tình trạng đông máu, dẫn đến nguy cơ vỡ mạch máu, hoặc tắc mạch máu gia tăng.
PGS Tôn nhấn mạnh, thời gian vàng điều trị đột quỵ là trước 6 giờ, càng sớm điều trị càng tối ưu. Đơn cử có 2 bệnh nhân đột quỵ rất trẻ, được chuyển đến viện ngay 2 giờ đầu, ngay sau 1 ngày can thiệp huyết khối đã tỉnh táo hoàn toàn, đi lại bình thường.
PGS Tôn lưu ý, người trẻ cần nâng cao nhận thức về đột quỵ cũng như các dấu hiệu bệnh để có thể phát hiện sớm, cấp cứu kịp thời.
PGS. Tôn nói thêm, khoảng 1/3 các ca đột quỵ xuất hiện sau khi có một hoặc nhiều cơn đột quỵ nhẹ hay còn gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua.
Cơn thiếu máu não thoáng qua xảy ra do tình trạng ngừng tạm thời việc cung cấp máu lên não. Các dấu hiệu như mất thị lực đột ngột, yếu một cánh tay hoặc chân trong ít phút có thể xuất hiện do các cơn thiếu máu não thoáng qua.
Sau đó khả nặng vận động có thể sớm trở lại, điều này tạo nên cảm giác chủ quan cho người bệnh, tuy nhiên sẽ rất nguy hiểm nếu bỏ qua. Đây thường là dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh lý đột quỵ não.
Khi bệnh nhân bị đột quỵ não, các triệu chứng sẽ xảy ra ngay lập tức sau vài phút hoặc sau vài giờ với các dấu hiệu sau:
- Đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân (các triệu chứng thường xảy ra ở một bên của cơ thể - nửa người).
- Đột ngột không nói được, giọng nói bị méo hoặc bệnh nhân bị nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói.
- Đột ngột mất thị lực, đặc biệt khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt.
- Đột ngột đau đầu dữ dội.
- Chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn…
Nếu bất cứ ai có bất cứ triệu chứng nào như trên, thậm chí không rõ ràng, ngay lập tức gọi cấp cứu 115, vận chuyển an toàn tới bệnh viện gần nhất tìm cơ hội điều trị trong giờ vàng để "cứu não".
Thúy Hạnh
Người đàn ông khỏe mạnh đột quỵ do tắm nước lạnh sau khi tập thể dục
Sau khi tắm nước lạnh, anh Hưng thấy người bủn rủn, nôn nhưng gần nửa ngày sau mới đến viện. Bác sĩ chẩn đoán anh đã qua giai đoạn vàng điều trị đột quỵ.
"> Cô giáo 34 tuổi tử vong vì đột quỵ