Hội nghị quốc tế về Điện tử và Truyền thông - IEEE ICCE 2018 là dịp để các nhà khoa học, chuyên gia uy tín trong lĩnh vực Điện tử - Truyền thông (ĐTTT) quốc tế và Việt Nam chia sẻ các kết quả nghiên cứu, giới thiệu về các xu hướng công nghệ ĐTTT mới nhất trên thế giới.IEEE ICCE 2018 lần thứ 7 diễn ra tại Khách sạn Morin, Huế từ ngày 18-20/7/2017. Hội nghị được tổ chức bởi Trường Đại học Bách khoa (ĐHBK) Hà Nội, Trường ĐHBK Đà Nẵng, Trường ĐHBK - ĐHQG TP.HCM với sự bảo trợ kỹ thuật của Hiệp hội Kỹ sư Điện - Điện tử (IEEE), Viện Nghiên cứu Truyền thông và Thông tin Hàn Quốc (KICS).
Hội nghị thu hút 162 nhà khoa học và chuyên gia đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu đến từ 29 quốc gia trên thế giới như Đức, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam…
Cập nhật công nghệ ĐTTT tiên tiến thời 4.0
Trong xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, ĐTTT là một trong những ngành kỹ thuật mũi nhọn cho phép tạo ra cơ sở hạ tầng kết nối, trao đổi, thu thập, lưu trữ và xử lý nguồn thông tin khổng lồ; do vậy đổi mới và ứng dụng công nghệ ĐTTT phục vụ cuộc sống con người và sự phát triển kinh tế xã hội không chỉ là mối quan tâm lớn của Việt Nam mà còn là vấn đề có quy mô toàn cầu.
|
|
Tại phiên khai mạc sáng 18/7/2018, các giáo sư đồng chủ tọa đều nhấn mạnh IEEE ICCE 2018 là hội nghị có uy tín quốc tế tổ chức hai năm một lần, là diễn đàn cho các nhà khoa học, nghiên cứu, các kỹ sư quốc tế và Việt Nam giao lưu, chia sẻ kiến thức, kết quả nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực Truyền thông và Điện tử, đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa nghiên cứu và công nghiệp tại các quốc gia khác nhau.
Đại diện cho đơn vị tổ chức Hội nghị, PGS.Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội nêu rõ vai trò của nghiên cứu khoa học tại các trường đại học nói chung và Trường ĐHBK Hà Nội nói riêng nhằm đóng góp vào quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước cũng như toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế trong cuộc CMCN 4.0.
Hội nghị năm nay nhận được khoảng 190 báo cáo khoa học đến từ 29 nước nộp vào hội nghị trong đó có 62 báo cáo toàn văn (với tỷ lệ chấp nhận là 32.62%) và 24 báo cáo poster, được trình bày trong 15 phiên báo cáo và một phiên đặc biệt. Các công trình nghiên cứu toàn văn sẽ được gửi đăng tải chính thức trên cơ sở dữ liệu số IEEE Xplorer, đồng thời Kỷ yếu của Hội nghị cũng được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận và đánh giá rất cao.
Tại Hội nghị, các nhà khoa học tập trung chia sẻ những kết quả nghiên cứu tập trung vào 4 chủ đề công nghệ quan trọng trong lĩnh vực ĐTTT: Mạng và hệ thống truyền thông, Xử lý tín hiệu và ứng dụng, Kỹ thuật truyền sóng và Hệ thống điện tử.
Trong thời gian diễn ra Hội nghị, một phiên đặc biệt về công nghệ LTE Evolution/5G Technologies do Samsung Hàn quốc và Samsung Việt Nam tài trợ tổ chức đã diễn ra với các chủ điểm xoay quanh thực tiễn triển khai ứng dụng của công nghệ này trên thế giới. Đặc biệt, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã có những trao đổi sôi nổi nhằm tìm ra các giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và cải tiến các nội dung đào tạo liên quan đến lĩnh vực ĐTTT để đáp ứng tốt xu hướng công nghệ và đáp ứng được nhu cầu phát triển nhân lực chất lượng cao trong nước thông qua hợp tác.
Gắn kết nghiên cứu với thực tiễn doanh nghiệp
Là một trong những trường ĐH kỹ thuật uy tín hàng đầu tại Việt Nam, theo PGS.Hoàng Minh Sơn, Trường ĐHBK Hà Nội đặc biệt chú trọng tới việc cập nhật các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực ĐTTT. Trong đó, các báo cáo trình bày tại Hội nghị được nghiên cứu và phát triển bởi các nhà khoa học của Trường ĐHBK Hà Nội là những kiến thức khoa học, kết quả nghiên cứu mới mẻ mà trường đạt được trong thời gian qua. Thực tế, Hội nghị đã thể hiện mục tiêu của trường trong việc bắt kịp xu hướng CMCN 4.0, trong đó Điện tử - Viễn thông là một trong những lĩnh vực công nghệ mũi nhọn được trường ưu tiên thúc đẩy trong các lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
|
|
Tại Hội nghị, các diễn giả từ nhiều hãng công nghệ trên thế giới cũng giới thiệu những xu hướng mới nhất trên thế giới, ứng dụng ĐTTT trong lĩnh vực khác nhau vào cuộc sống gồm: mạng thông tin viễn thông, định vị dẫn đường, điện tử y sinh, âm thanh hình ảnh…; chia sẻ những bài học kinh nghiệm thực tiễn trong đổi mới công nghệ, các loại hình sản phẩm, dịch vụ đang được áp dụng thành công và hiệu quả trên thế giới.
Hội nghị quốc tế IEEE ICCE 2018 đã tạo cơ hội cho các nhà khoa học, chuyên gia giao lưu trao đổi học thuật, tiếp cận với kỹ thuật tiên tiến, xu hướng đổi mới công nghệ trong lĩnh vực ĐTVT bắt kịp xu thế CMCN 4.0, đồng thời thúc đẩy mạng lưới hợp tác nghiên cứu giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với đối tác doanh nghiệp nhằm phục vụ sự phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam hiện nay.
Hoàng Anh
" alt=""/>IEEE ICCE 2018: Cập nhật công nghệ Điện tử