Việt Nam sẽ tắt sóng 2G khi mật độ thuê bao này còn khoảng 5%.Trên cơ sở phân tích xu hướng phát triển thị trường, công nghệ di động, kết hợp với các mục tiêu quản lý nhà nước và việc thống nhất với các doanh nghiệp di động, ngày 27/9/2022, Bộ TT&TT đã có công văn về định hướng triển khai lộ trình, kế hoạch dừng công nghệ di động 2G.
Mục tiêu đặt ra là chậm nhất đến tháng 9/2024 phải hoàn thành việc dừng công nghệ 2G. Đây là thời điểm hết hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và giấy phép băng tần số vô tuyến điện, để phù hợp với định hướng quy hoạch tần số vô tuyến điện.
Bộ TT&TT cho hay: Các doanh nghiệp di động căn cứ định hướng xây dựng lộ trình, kế hoạch dừng công nghệ di động 2G, cụ thể phải triển khai các giải pháp chuyển đổi thuê bao sang sử dụng smartphone 4G, 5G, phấn đấu đạt mục tiêu đến cuối năm 2023 chỉ còn dưới 5% thuê bao 2G. Đồng thời, kế hoạch dừng công nghệ 2G của doanh nghiệp phải bảo đảm cung cấp các dịch vụ thông tin di động liên tục, không gián đoạn; bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ khi dừng công nghệ này và tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan.
Bộ TT&TT cũng đã định hướng để người sử dụng chủ động chuyển đổi sang sử dụng smartphone, các doanh nghiệp di động xây dựng kế hoạch và hỗ trợ người sử dụng chuyển đổi, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thiết bị di động đầu cuối trên thị trường Việt Nam thay đổi định hướng kinh doanh... nhằm đạt mục tiêu chung về tắt sóng công nghệ cũ đã đặt ra, đồng thời góp phần đạt được mục tiêu phổ cập điện thoại thông minh, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Trao đổi với Tổng thư ký Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) Houlin Zhao trong khuôn khổ sự kiện Digital World ngày năm 2021, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa cách làm của Việt Nam để nhanh chóng phổ cập smartphone đến 100% người dân. Theo đó, Việt Nam sẽ tắt sóng 2G khi mật độ thuê bao này còn khoảng 5%. Cùng với việc tắt sóng, nhà mạng sẽ hỗ trợ máy cầm tay cho các thuê bao 2G. Đây cũng là mô hình mà các nước thành viên của ITU có thể tham khảo cho quá trình tắt sóng các công nghệ cũ.
Mỗi quốc gia khi tắt sóng công nghệ 2G, 3G đều có những phương pháp, mục tiêu khác nhau. Tuy nhiên, nếu một nhà mạng muốn triển khai công nghệ di động mới 5G, thì việc duy trì vận hành quá nhiều công nghệ song song như 2G, 3G, 4G đồng thời, sẽ tốn chi phí rất lớn và khai thác không hiệu quả. Vì vậy, cần tắt sóng công nghệ cũ để tối ưu hóa vận hành và dành nguồn lực, băng tần số vô tuyến điện cho công nghệ mới, đáp ứng mục tiêu phát triển của nhà mạng và quốc gia. Trên thế giới, có nước tắt sóng mạng 2G nhưng có nước lại tắt sóng mạng 3G trước.
Việt Nam đã lựa chọn phương án tắt sóng 2G để thúc đẩy thực hiện mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng đã phê duyệt - đó là phổ cập mạng di động 4G, 5G và điện thoại thông minh đến từng người dân Việt Nam. Cuộc cách mạng này sẽ thúc đẩy Chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số… một cách nhanh chóng và cũng là động lực quan trọng đưa Việt Nam phát triển nhanh và mạnh hơn.
Khi 100% người dân sử dụng smartphone sẽ thúc đẩy những dịch vụ số phong phú hơn, dịch vụ dữ liệu được sử dụng nhiều hơn, nhà mạng có thêm doanh thu.
Để chuẩn bị cho việc tắt sóng 2G, Bộ TT&TT cũng đã đưa ra Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất. Theo đó, các thiết bị đầu cuối thông tin di động sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam phải hỗ trợ công nghệ 4G trở lên.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu thị trường GFK (Growth from Knowledge), trung bình mỗi năm thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng trên 20 triệu máy điện thoại, trong đó, khoảng 60% là điện thoại thông minh (Smartphone), 40% là điện thoại phổ thông (Featurephone, 8 triệu máy). Với 25,6 triệu thuê bao sử dụng thiết bị chỉ hỗ trợ 2G, 3G đang hoạt động trên mạng, theo thời gian vòng đời của thiết bị (trung bình khoảng 3 năm), thì lượng thiết bị này sẽ dần được loại bỏ ra khỏi mạng khi không còn nguồn cung.
Hiện một số nhà mạng cũng đã tiến hành tắt dần các trạm phát sóng 2G ở những nơi phủ sóng 3G,4G tốt và nhu cầu về 2G ít.
Một số địa phương cũng đã đề cập đến vấn đề thí điểm tắt sóng 2G tại một số địa bàn. Lạng Sơn là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện chủ trương này. Tỉnh đưa ra mục tiêu đến năm 2025 là phổ cập sóng 5G trên địa bàn; hơn 80% hộ gia đình được sử dụng Internet cáp quang băng rộng; mỗi hộ gia đình có 1 điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng. Chỉ riêng trong năm 2022, tỉnh Lạng Sơn quyết tâm phủ sóng băng rộng di động đến 100% thôn, bản; bắt đầu phát sóng 5G; giảm thuê bao 2G xuống dưới 5%, tiến tới lộ trình tắt sóng 2G.
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ TT&TT mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thu Hà đã đề xuất việc tắt sóng 2G trên một số địa bàn thành phố, thị trấn của tỉnh trong năm 2022, nhằm đẩy nhanh việc phổ cập smartphone, góp phần chuyển đổi số tổng thể và toàn diện từ chính quyền số, xã hội số, kinh tế số, cửa khẩu số… Sở TT&TT Lạng Sơn nhấn mạnh: "Thực hiện chuyển đổi số, đưa người dân lên không gian số thì phải sử dụng smartphone, phải chạy được các ứng dụng trên nền tảng số. Nếu tắt được sóng 2G, thúc đẩy đông đảo người dân sử dụng smartphone sẽ tác động lớn đến công cuộc chuyển đổi số địa phương".
Kết quả thử nghiệm cho thấy, việc tắt sóng 2G không làm gián đoạn việc thông tin liên lạc, do hầu hết người dân đều sử dụng smartphone. “Đây là một sở cứ quan trọng để chúng tôi đề xuất mở rộng khu vực tắt sóng 2G”, đại diện Sở TT&TT Lạng Sơn nhận xét.
Thái Khang
">