- Ung thư là căn bệnh giết người số 1 thuộc nhóm bệnh không lây (non-communicable diseases - NCDs). Chi phí đang là gánh nặng kinh tế, xã hội cho tất cả các quốc gia kể cả phát triển lẫn đang phát triển và toàn cầu.
Mỗi năm, ước tính nền kinh tế toàn cầu phải chi 1,16 nghìn tỷ đô la Mỹ dành cho phòng chống và điều trị ung thư, đó là chưa kể đến những giá trị kinh tế bị mất đi do các cá nhân không thể lao động, tạo ra của cải vật chất khi mắc ung thư, không còn khả năng lao động hoặc tử vong sau điều trị (1).
Những tổn hại về kinh tế toàn cầu do ung thư gây ra cho các cá nhân, gia đình và xã hội ước tính khoảng 2,5 nghìn tỷ đô la Mỹ mỗi năm (2).
Ung thư là căn bệnh của người khỏe mạnh, của người có tuổi thọ và là bệnh của xã hội phát triển. Ước tính, mỗi năm thế giới có khoảng thêm 14,1 triệu ca mắc ung thư trong đó có khoảng 8,2 triệu trường hợp tử vong. Trong đó, 57% (8 triệu người) các ca mắc mới và 65% (5,3 triệu người) tỷ lệ tử vong xảy ra ở các khu vực nghèo đói, kém phát triển (3).
Gần một nửa các ca ung thư mắc mới và hơn một nửa các ca tử vong diễn ra ở khu vực châu Á và một phần tư gánh nặng ung thư toàn cầu nằm ở đất nước đông dân nhất thế giới Trung Quốc (4).
Dự đoán tới năm 2025, sẽ có khoảng 19,3 triệu ca mắc mới ung thư và 11,4 triệu người chết do ung thư. Trong đó ung thư phổi là loại ung thư gây tử vong nhiều nhất ở nam giới và ung thư vú là loại ung thư phổ biến và gây tử vong cao nhất ở nữ giới (5).
|
Hình ảnh tế bào ung thư. |
Thách thức của Việt Nam
Mỗi năm Việt Nam có khoảng 110.000 ca mắc ung thư mới và tỉ lệ tử vong chiếm gần 75% so với tỉ lệ tử vong trung bình của thế giới chỉ là 60% và là một trong những quốc gia có tỉ lệ tử vong do ung thư cao nhất thế giới (6).
Năm 1990, Việt Nam chỉ có 2 bệnh viện ung bướu ở TP.HCM và Hà Nội. Đến thời điểm hiện nay, chúng ta đã có thêm nhiều bệnh viện ung bướu cả công lẫn tư.
Đến năm 2014, Bệnh viện ung thư Trung ương - bệnh viện K đã có thêm 3 cơ sở điều trị ung thư. Chúng ta có bệnh viện ung bướu Hà Nội, bệnh viện ung bướu TP.HCM, bệnh viện ung bướu Cần Thơ, các trung tâm ung bướu, khoa ung bướu ở bệnh viện đa khoa tại các tỉnh, thành phố lớn chưa kể các bệnh viện ung bướu tư nhân đã hoạt động được một vài năm trở lại đây như bệnh viện Ung thư Đà Nẵng, bệnh viện ung bướu Hưng Việt…
Tuy nhiên, PGS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Kiểm soát ung thư cho biết, mỗi năm viện K tiếp nhận thêm 20-30% lượng bệnh nhân mới. Do đó cơ sở vật chất điều trị, đội ngũ bác sĩ và số lượng giường bệnh vẫn không đủ đáp ứng đòi hỏi thực tế. Các bác sĩ, y tá và hệ thống bệnh viện ung bướu luôn trong tình trạng quá tải.
Ý thức bảo vệ sức khỏe và tầm soát của người dân còn yếu, do đó việc phát hiện ung thư ở giai đoạn trễ muộn diễn ra khá phổ biến góp phần làm tăng cao tỉ lệ tử vong do ung thư tại Việt Nam.
Trong số 9 yếu tổ nguy cơ chính gây ra vấn nạn ung thư toàn cầu hiện nay bao gồm béo phì; hút thuốc lá; nhiễm trùng; chế độ ăn uống và vận động; tia bức xạ UV (tia cực tím); sức khỏe sinh sản và nội tiết tố; môi trường và ô nhiễm; chủng tộc người thì Việt Nam đang đối mặt lớn nhất với khói thuốc lá, sự ô nhiễm môi trường và đặc biệt là khả năng kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm.
Việt Nam chưa có một chiến lược dài hạn, chương trình hành động nhất quán, hiệu quả tầm quốc gia về phòng chống và kiểm soát ung thư. Nói cách khác, vai trò và vị trí của các tổ chức nhà nước về phòng chống kiểm soát ung thư, Hội Ung thư Việt Nam còn khá là mờ nhạt. Trong khi các tổ chức thiện nguyện giúp đỡ người bệnh ung thư thì tự phát, manh mún, nhỏ lẻ và không được tạo điều kiện về hành lang pháp lý lẫn tài chính.
Trong quyết định số 1208 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Y tế giai đoạn 2012-2015 ký ngày 04/09/2012 chỉ có 2 gạch đầu dòng nói về ung thư bao gồm: Nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng và phát hiện sớm bệnh ung thư; Tăng 5-10% tỷ lệ bệnh nhân ung thư được phát hiện ở giai đoạn sớm đồng thời giảm tỷ lệ tử vong của một số loại ung thư: Vú, cổ tử cung, khoang miệng, đại trực tràng.
Cơ hội của Việt Nam
Theo thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên thì Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 10% như yêu cầu phòng chống ung thư và cần sự giúp đỡ của cộng đồng ung thư quốc tế để phát triển một chiến lược quốc gia kiểm soát và phòng chống căn bệnh (7).
Tổ chức y tế thế giới (WHO), Hiệp hội ung thư thế giới (UICC), Chương trình Hành động Chữa trị Ung thư (PACT) của Trung tâm Năng lượng Nguyên tử Quốc tế… và cộng đồng ung thư quốc tế có nhiều đối tác đều sẵn lòng giúp Việt Nam tạo lập một mạng lưới phòng phòng chống ung thư hay phát triển chiến lược quốc gia liên quan đến giáo dục và kiểm soát căn bệnh.
Điều đó phụ thuộc ở việc chúng ta chủ động và tận dụng mọi sự giúp đỡ và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế ở mức độ nào và kiểm soát, phòng chống ung thư nằm ở vị trí nào trong các chương trình hành động y tế quốc gia.
Nhà nước, Chính phủ cũng không thể chỉ gia nhập cộng đồng quốc tế mà bỏ quên vai trò, vị trí chiến lược của mạng lưới các tổ chức ung thư địa phương, các câu lạc bộ thiện nguyện, các tổ chức công tác xã hội chuyên về ung thư - không nằm trong hệ thống kiểm soát ung thư của nhà nước.
Nếu bạn sử dụng mạng xã hội Facebook, bạn sẽ không lạ gì những hoạt động quyên góp, tặng quà, giúp đỡ những trường hợp mắc ung thư đặc biệt diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên các phương tiện truyền thông hiện đại này. Đó là một nguồn “tài sản” lớn, là cơ hội để Việt Nam tận dụng trong chiến lược quốc gia phòng chống ung thư của mình.
Hãy tạo điều kiện về hành lang pháp lý, cơ chế quản lý để giúp họ hoạt động chuyên nghiệp, bền vững. Chính những tổ chức chăm sóc ung thư, giúp đỡ bệnh nhân ung thư… sẽ góp phần tạo nên một cộng đồng phòng chống, giảm gánh nặng ung thư cho Việt Nam, giúp giảm tải cho hệ thống y tế, bác sĩ và y tá ung bướu.
Chắc chắn ai làm lãnh đạo ở Việt Nam cũng đều thuộc nằm lòng câu nói này “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Và ở bất kỳ một đất nước phát triển nào thành công về phòng chống kiểm soát ung thư, cộng đồng ung thư (cancer society) của họ đều lớn mạnh cả.
Và trước gánh nặng của ung thư, sự tham gia của người dân chính là cơ hội để Việt Nam giải quyết một phần thách thức của mình.
Thương Sobey
(1) (2) Theo tài liệu The Economics of Cancer Prevention & Control Data Digest 2014
(3) (4) (5) Theo The Cancer Atlas tái bản lần thứ 2 do Cộng đồng ung thư Hoa Kỳ, Hiệp Hội ung thư thế giới và Tổ chức Y tế thế giới xuất bản 2014.
(6) http://tuoitrenews.vn/society/8725/death-rate-in-vn-cancer-patients-among-worlds-highest
(7) http://cancer.iaea.org/newsstory.asp?id=26
">