Theo lãnh đạo Bộ Y tế, trong chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 toàn quốc, việc điều hành các quy trình tiêm chủng đều được thực hiện trực tuyến, quản lý bằng CNTT. (Ảnh giao diện Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19) |
Trong kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 năm 2021 - 2022 mới ban hành, Bộ Y tế đã xác định rõ mục tiêu chung là phòng chống dịch chủ động bằng việc sử dụng vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng nguy cơ và cộng đồng.
Kế hoạch cũng hướng tới những mục tiêu cụ thể gồm: tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin phòng Covid-19 trong năm 2021; trên 70% dân số được tiêm vắc xin phòng Covid-19 đến hết quý I/2022; đồng thời đảm bảo an toàn tiêm chủng khi sử dụng vắc xin phòng Covid-19.
Đáng chú ý, ứng dụng CNTT quản lý tiêm chủng là một trong những nội dung quan trọng của kế hoạch, bên cạnh những nội dung khác như: cung ứng vắc xin; tổ chức tiêm chủng; đảm bảo an toàn tiêm chủng; truyền thông; quản lý bơm kim tiêm và rác thải y tế sau tiêm chủng; giám sát chất lượng vắc xin và hoạt động tiêm chủng.
Cụ thể, để công khai minh bạch thông tin và tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức khi tham gia chiến dịch, Bộ Y tế hướng dẫn rõ: các đơn vị, địa phương cần sử dụng Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 để triển khai chiến dịch.
Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 đã sẵn sàng
Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 có 4 thành phần chính gồm: Cổng công khai thông tin tiêm chủng tại địa chỉ https://tiemchungcovid19.gov.vn; Hệ thống hỗ trợ công tác tiêm chủng; Hệ thống phục vụ công tác chỉ đạo điều hành; Ứng dụng “Số sức khỏe điện tử”.
|
Ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử" là 1 trong 4 thành phần chính của Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 phục vụ chiến dịch tiêm chủng sắp được chính thức phát động. |
Theo đó, với việc quản lý đối tượng tiêm chủng, thông tin về đăng ký tiêm, kế hoạch tiêm, lịch tiêm và nội dung truyền thông liên quan sẽ được thông báo, cập nhật liên tục cho người dân trên Cổng thông tin của chiến dịch. Việc đăng ký tiêm chủng và khai báo y tế, cập nhật phản ứng sau tiêm được thực hiện qua ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” và Cổng thông tin.
Trường hợp nguồn vắc xin phân bổ hạn chế, việc lập danh sách đối tượng tiêm, xếp lịch tiêm theo giờ phải được thực hiện trước khi thông báo cho người dân đăng ký tiêm. Việc lập danh sách đối tượng tiêm chủng được thực hiện sau khi thông báo cho người dân đăng ký tiêm trong trường hợp đủ số lượng liều vắc xin cho tiêm chủng đại trà.
Về quản lý cơ sở tiêm chủng, Cổng thông tin của chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại https://tiemchungcovid19.gov.vn sẽ công khai và cập nhật thường xuyên thông tin vị trí, số bàn tiêm, thông tin người phụ trách.
Cơ sở tiêm chủng phải cập nhật thông tin số lượng liều vắc xin được nhập, số lượng tiêm được, số liệu tồn theo ngày và số liệu này phải được cập nhật tại trang thông tin chỉ đạo điều hành của Ban chỉ đạo chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19.
Hệ thống phục vụ chỉ đạo điều hành của Ban chỉ đạo chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 sẽ cập nhật trực tuyến tra cứu theo cơ sở tiêm về kết quả số lượng người dân được tiêm, số lượng hoãn tiêm và số lượng được cấp chứng nhận tiêm chủng (lần 1 và lần 2 nếu có).
Với công tác quản lý tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vắc xin, hệ thống sẽ báo cáo và cập nhật báo cáo của Ban chỉ đạo chiến dịch về số liều vắc xin được phân bổ và thông tin cơ sở làm căn cứ phân bổ cho các địa phương; tổng hợp báo cáo của các địa phương về kế hoạch phân bổ số lượng liêu vắc xin với từng đợt phân bổ của Ban chỉ đạo chiến dịch.
Hệ thống phục vụ chỉ đạo điều hành của Ban chỉ đạo chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 sẽ cập nhật trực tuyến thông tin về số lượng và thời điểm nhập, xuất, nhập lại các liều vắc xin tra cứu theo số lô của nhà sản xuất của các tổng kho và các kho liên quan trong hệ thống tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển do Ban chỉ đạo quy định.
Các đơn vị, cơ sở y tế liên quan đến tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản thực hiện cập nhật thông tin, số lượng, báo cáo trên Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19.
Về quản lý buổi tiêm chủng, trong quá trình thực hiện, thông tin liên quan đến các bước cần được cập nhật trực tiếp lên phân hệ Hệ thống hỗ trợ công tác tiêm chủng của Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 theo 4 bước: Tiếp đón; Khám sàng lọc và xác nhận đủ điều kiện tiêm; Tiêm và theo dõi sau tiêm; Cấp giấy xác nhận.
Xây dựng ứng dụng CNTT quản lý toàn bộ chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 từ khâu tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, phân bổ quản lý đối tượng, tỷ lệ tiêm chủng là một nhiệm vụ của Tiểu ban ứng dụng CNTT quản lý tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 và truyền thông do Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn làm Trưởng Tiểu ban và Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng là đồng Trưởng Tiểu ban.
Tiểu ban này cũng có các nhiệm vụ khác như: chỉ đạo việc ứng dụng CNTT, sử dụng hồ sơ sức khỏe cá nhân cho tiêm chủng; xây dựng hệ thống chứng nhận tiêm chủng; phối hợp với Tiểu ban Tiêm chủng chỉ đạo tổng hợp dữ liệu về nhu cầu, số lượng, tiến độ vắc xin phòng Covid-19 cho các điểm tiêm chủng và công khai trên bản đồ số hóa chiến dịch tiêm chủng…
Ngay trước thời điểm diễn ra lễ phát động triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 toàn quốc, vào chiều ngày 9/7, tập đoàn Viettel – đơn vị được Bộ Y tế và Bộ TT&TT chỉ đạo xây dựng Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19, cho biết nền tảng đã sẵn sàng để phục vụ cho chiến dịch tiêm chủng.
Vân Anh
Công nghệ là chìa khóa giúp sống cùng Covid-19
Anh, Singapore không có cảnh người dân “rồng rắn” xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19, phần lớn nhờ công của hệ thống đăng ký và trả kết quả khép kín.
">