Đây là hội chứng thường gặp nhất ở những người quá đam mê trò chơi điện tử. Nghiên cứu cho thấy những người hay chơi điện tử thường bị ám ảnh và gặp vấn đề về thần kinh hơn những người không chơi game. Trẻ em hay chơi điện tử thường khó kiểm soát được tâm lý, khó hòa nhập vào xã hội và nếu để lâu sẽ trở thành người nghiện game. Điều này sẽ dẫn tới các hệ lụy tiêu cực như trộm cắp vặt, cãi lại cha mẹ ông bà hoặc thậm chí là tội phạm,
Hiện nay, có thể dễ dàng bắt gặp các em nhỏ mới 2-3 tuổi đã sử dụng thành thạo các thiết bị điện tử như iPhone, iPad... Những em nhỏ tiểu học sau giờ tan trường thường có địa điểm tập trung là quán game chứ hiếm khi thấy các hoạt động vui chơi ngoài trời như đá bóng, đá cầu... như trước. Thậm chí, dù chỉ lớp 1 đọc còn chưa sõi nhưng nhiều em còn có thể thành thạo các thao tác điều khiển nhân vật, làm nhiệm vụ game rành rọt, hay "thi đấu" như một game thủ thực thụ. Hậu quả dẫn đến là bị cận thị nặng, hay nói dối xin tiền, nhịn ăn sáng để đi chơi.
Lớn hơn một chút, những học sinh cấp 2 cấp 3 sẵn sàng trốn học, bỏ tiết để la cà quán nét. Khi không có tiền chơi thì bắt đầu ghi nợ và hậu quả tất yếu sẽ dẫn đến trộm tiền cha mẹ để đi chơi. Ngoài ra, những em này cũng dễ bị tiêm nhiễm các thói hư tật xấu ngoài xã hội như hút thuốc, văng tục hay tiếp cận văn hóa phẩm không lành mạnh. Chúng có nhiều khả năng trở thành thủ phạm hoặc nạn nhân của những hành vi bạo lực ngoài đời.
Tất cả cảnh báo trên đều đã xuất hiện rất nhiều lần trên các phương tiện truyền thông. Gần đây nhất là vụ việc "kỳ lạ": Cha xích chân con để cai nghiện game. Đây được coi là biện pháp "đặng chẳng đừng" khi gia đình gần như bất lực trước đứa con ham chơi.
Hay vụ học sinh phổ thông bị đánh vì thiếu tiền trả nợ net vẫn còn "nóng hổi". Chủ quán net sẵn sàng cho một đứa trẻ chơi nợ đến tiền triệu nhưng sau đó lại đánh dằn mặt để đòi.
Các em có lỗi, nhưng nguyên nhân chính lại đến từ phía gia đình và xã hội.
Sự thiếu quan tâm của gia đình...
Trẻ em có khả năng thích nghi và thích ứng nhanh, song cũng chính vì thế mà dễ học cái xấu. Các bậc phụ huynh khó có thể chỉ dùng lời nói, giảng giải phân tích để mong các em hiểu mà thay đổi. Mà đó phải là sự quan tâm, kèm cặp bảo ban mới mong con trẻ nên người. Tuy nhiên, trong một xã hội hiện đại, với quá nhiều thứ phải lo toan, dường như cha mẹ cũng ít có thời gian để ý tới những điều "nhỏ nhặt", khiến những tiêu cực của game có đất phát triển.
|
|
Sự phát triển của công nghệ, các thiết bị điện tử cầm tay thông minh là mảnh đất màu mỡ để internet hay game đặt chân vào. Những em bé tầm tuổi lên 2 lên 3 có thể dành cả ngày trời chỉ để theo dõi nhưng đoạn phim hoạt hình hoặc các trò chơi đơn giản trên điện thoại, máy tính bảng. Cha mẹ thì muốn tiết kiệm thời gian, không phải "hò hét" chuyện ăn uống nên đã tặc lưỡi chiều theo. Dần dà, nếu không được xem, được chơi, các bé cũng không ăn, không học và hình thành nên tính cách ương bướng, luôn đòi hỏi, rất khó uốn nắn về sau. Bậc phụ huynh cũng không có ý thức đầy đủ về hậu quả của hành vi chiều chuộng con của mình.
Lớn hơn một chút, trách nhiệm dạy bảo con cái được san sẻ về phía nhà trường. Tuy nhiên, sau những giờ tan học, cha mẹ cũng vì nhiều lý do công việc mà không thể đưa đón con em mình. Một số trường hợp cá biệt phụ huynh còn cho tiền để các em vào quán nét "ngồi chờ" người đến đón. Hành động đã gián tiếp đưa các em tiếp cận quá sớm với game và nghiện lúc nào không hay.
Qua thời gian, đến khi tâm sinh lý đã hình thành một cách lệch lạc bởi "nghiện game", những vụ đánh nhau như cơm bữa hoặc "dạt nhà" mới khiến các bậc phụ huynh giật mình. Nhưng lúc đó thì e là đã quá muộn, tự trách bản thân cũng không thể thay đổi được gì! Sẽ lại là những câu nói "giá như quan tâm hơn đến con em", giá như... khi này giống như một điều ước khó có thể trở thành sự thực.
...và xã hội
Với sự bùng nổ internet, các quán kinh doanh internet mọc lên như nấm để đáp ứng nhu cầu. Khắp các trường học dù phổ thông hay đại học, không thiếu những đại lý kinh doanh san sát. Về bản chất game hay internet không xấu, và những người kinh doanh cũng không làm gì sai. Nhưng mọi người cần quan tâm đến đối tượng đặc biệt nhất, đó là trẻ em.
Những chủ quán net có thể để một em học sinh vào ngồi chơi từ sáng đến chiều mà không hề bận tâm. Cái họ để ý là lợi nhuận, và sẵn sàng "tạo điều kiện tốt nhất" cho các game thủ nhí như việc cho chơi nợ. Các em cũng chưa đủ nhận thức, chỉ thấy rằng việc chơi game quá thoải mái, dễ dàng và chỉ việc "tận hưởng" nó. Đến khi không có tiền đi chơi, bị đòi nợ, các em sẽ là nạn nhân của các hành động bạo lực và phải tìm mọi cách để có. Với lứa tuổi của mình, cách nhanh và tiện nhất chính là tiền của gia đình, của phụ huynh. Và kết quả là rất nhiều vụ đã được đưa lên báo chí!
Đến những quy định chưa đủ mạnh của các cơ quan quản lý
Để hạn chế được những mặt trái của game, các cơ quan quản lý cũng đã có những hành động cụ thể như: thắt chặt kiểm duyệt nội dung của các game online, cấm quán net mở cửa sau 23h đêm hay cấm các đại lý internet trong phạm vi 200m quanh trường học...
Song những chế tài đó chưa đủ mạnh. Theo một nghiên cứu thống kê, hiện trên địa bàn Hà Nội chỉ 60% đại lý kinh doanh internet thực sự chấp hành quy định đóng cửa sau 23h đêm. Vậy đến 40% còn lại, họ vẫn ung dung hoạt động và thu lợi từ những con nghiện game. Thậm chí sau khi bị phát hiện và nộp phạt, không hiếm người vẫn tiếp tục tái phạm.
Và có lẽ những quy định đó cũng chưa thực sự hướng đến việc bảo vệ con trẻ. Bởi lẽ, dễ dàng nhận thấy không có đứa trẻ nào được cho phép đi chơi (đặc biệt là game) quá muộn. Cấm kinh doanh net sau 23h chỉ hạn chế những tệ nạn xã hội nói chung mà thôi. Thêm nữa chúng cũng đủ hiểu việc không nên chơi ở các quán nét cạnh cổng trường, bởi dễ bị phụ huynh "tóm cổ". Chúng sẽ đi xa hơn khoảng... 300m và chọn các con ngõ nhỏ kín đáo hơn. Vậy quy định khoảng cách 200m cũng không có nhiều ý nghĩa.
Cái cần ở đây có lẽ là một chế tài đủ để các chủ quán net phải từ chối những học sinh nhỏ tuổi vào chơi. Hãy phạt nặng và thắt chặt quản lý như ở Hàn Quốc, Nhật Bản hiện đang làm. Hay có những chính sách để phổ cập các game giáo dục hấp dẫn, chất lượng vào trong nhà trường. Chỉ có những hành động sát sao và thiết thực mới có thể giải quyết cốt lõi vấn đề.
Nghiện game và những hệ lụy, suy cho cùng lỗi không phải hoàn toàn thuộc về các em nhỏ hay các trò chơi. Mà chủ yếu trách nhiệm ở người lớn chúng ta, đã tạo vô ý điều kiện (do nuông chiều, thiếu quan tâm) và không sát sao tới con trẻ. Hãy suy nghĩ và có những hành động giải quyết vấn đề, nếu không nó sẽ biến tướng và gây ra những hậu quả khó lường về sau.
theo gamethu
" alt=""/>Trẻ em nghiện game: Lỗi tại ai?