Trong những lần họp lớp của tôi, có vị ngày xưa hay quay cóp, nhưng bây giờ khá thành đạt, nên chịu một sự phân biệt đối xử ngấm ngầm nào đó, nhất của các bạn “con ngoan trò giỏi”, nhưng không mấy “phát tài”.
Khi một thứ Ba Toác như tôi cho anh ta biết nguyên nhân của sự lạnh nhạt nói trên, anh bạn có một sự nghiệp quay cóp kia tiu lại: “Như cậu thì có gì hay đâu. Cắm cổ học tuần ôn thi, thi xong là quên hết… Chỉ tổ mệt óc mình”.
Ý anh ấy nói với những môn chán ngắt với một số người, hoặc tất cả mọi người, anh ta chọn cách “quay cóp’, hơn là trung thực một cách tự sát. Tất nhiên, anh ấy chỉ đúng một phần, vì sai lầm của không ít sinh viên (như tôi) là trong học kỳ không chịu tự tu môn nào thấy “chán”, chỉ học đối phó trước kỳ thi rồi trả thi cho xong nợ.
So với thời học phổ thông của tôi, “phao”hôm nay thật công khai (trắng trợn). Lý do, như một 9X bảo tôi, là phản ứng của học sinh về việc bị quá tải bởi lượng kiến thức, kể cả thứ ‘thừa’, đang đổ lên đầu học trò non trẻ. Nghe qua thì cũng có lý: chìm lút đầu vào một bể kiến thức (thừa?) thì phải có phao chứ lị.
Miệng trẻ
Đến trường rõ ràng để được cung cấp kiến thức. Nhưng cung cấp bao nhiêu thì không quá tải?
Chúng ta chờ câu trả lời của Bộ chủ quản có tầm nhìn xa lắc, của Sở Giáo dục (nằm trong Uỷ ban nhân dân, nơi đang trở thành một cửa). Chúng ta hỏi nhau, chúng ta hội thảo, chúng ta mời các vị học giả Tây phương, và nhất những nhà cải cách bất thành quốc nội, nói những lời có cánh…
Nhưng chúng ta hầu như không hỏi chủ thể kiến thức cung cấp: đứa trẻ. Vậy thì thử đi theo mạch tư duy của bạn 9X nói trên.
Quá tải kiến thức sinh gì?
Nếu cố tình muốn tạo quá tải kiến thức, có thể tạo ra về chất lượng (nhồi kiến thức khó), hoặc số lượng (ra nhiều bài tập, làm học sinh mụ mẫm).
Điều này sẽ gián tiếp tạo được lo lắng của phụ huynh, là con mình “không theo” được lớp, sẽ không bằng anh bằng em.
Kết quả là sẽ tạo ra nguồn cho dạy thêm. Một bản chất âm tính của dạy thêm là mong sao có nhiều học sinh kém, nên vòng phản hồi sẽ được thiết lập để sự quá tải kiến thức ở đầu vào ngày càng tinh tướng.
Dạy thêm “thành tinh”, biến thành các kiểu lò luyện thi nơi các đề thi sẽ ra trong tương lai rò rỉ đến. Các lò kiểu này sản xuất phao để thí sinh học thuộc, không cần chứng minh gì cả. Đề thi sẽ ra kiểu đánh đố để cho các thiên tài (được đánh giá là khoảng 10% là cùng) giải được, tuy có hơi thiếu thời gian.
Các thí sinh đã qua các lò luyện thi cấp các phao gần với đề cũng sẽ vượt cạn thành công, nếu không quá hồi hộp "làm hỏng bánh kẹo".
Các phao, đúng nghĩa nhất, chắc còn được “mại” tại trận để quăng cho thí sinh đang ngồi trong phòng thi theo nghĩa đen, hoặc chuyển tải lên tờ giấy thi, nhờ các tiện ích công nghệ thông tin.
Đồi Ngô, Gò Khoai, Cồn Sắn…
Những suy diễn trên đây, của các phụ huynh tuyệt vọng, nếu thành sự thực sẽ giúp cho ai đó thăng quan hoặc/và phát tài.
Một là thành tích thi cử cao giúp “quan” giáo dục thăng tiến, hai là bội thu nhờ mùa học vấn “dỏm”, dành cho các nhà sư phạm có tâm hồn “hàng thịt”.
Thí sinh dùng phao cũng thu nhập kiểu riêng, cũng “hai trong một”. Thứ nhất, thành công trong việc lừa các thày cô chấm bài; thứ hai, huyễn hoặc mình chính là một thứ cá chép vượt vũ môn thực sự. Nhiều “cá chép” này rồi hoá “rồng”, nhân điển hình bằng mọi cách, để còn thu nhập kép trên thị trường phẩm hàm… Như anh bạn học tôi được nói ở đầu bài.
Chẳng may vỡ lở, đã có chủ nghĩa thành tích nguyện biến thành… phao, đi bàn bạc với một số vị thuộc lực lượng chức năng, để làm “chìm xuồng” những vụ việc kiểu Đồi Ngô, Gò Khoai (?!)
Và sau kỳ nghỉ hè, con em ta lên lớp lại tiếp tục thụ hưởng quá tải kiến thức. Để làm được bài kiểm tra thôi, chưa nói đến thi, bọn trẻ đạt được quyền lựa chọn rộng rãi giữa hai khả năng: hoặc học vẹt, hoặc quay cóp.
Thành Lê