-Bạo lực là sản phẩm của hành xử kém văn minh. Khi mặt bằng dân trí chưa thoát khỏi bản năng hoang dã, con người thường giải quyết xung đột bằng bạo lực. Bởi vì bạo lực xét đến cùng là hành vi bản năng. Mọi sự phẫn nộ hoặc phản kháng phi lí tính đều có nguy cơ dẫn đến bạo lực.Tâm lí vị thành niên hay cá tính “người hùng”?
Điểm nóng của dư luận về bạo lực học đường trước tiên là chuyện học sinh đánh nhau, làm nhục nhau như một cảm hứng. Nguyên cớ khá đơn giản, thậm chí rất vớ vẩn. Các cá nhân hoặc các nhóm khích bác nhau, cá nhân hoặc nhóm này không thực hiện được yêu cầu của cá nhân hoặc nhóm kia dẫn đến choảng nhau và lăng nhục nhau.
Xem xét tính chất của các sự vụ đánh nhau, tôi dám chắc không phải bây giờ mới có. Hiện nay do thời đại văn minh internet, sự vụ không còn đóng kín mà công khai, bé càng bị xé ra to nên trở thành nghiêm trọng.
Tất nhiên, đánh nhau và quay phim để khoe trên mạng thì gần đây mới có. Hành vi này chỉ báo cho sự lây lan như một niềm cảm hứng của đám đông. Đó là mặt tiêu cực của mạng. Nhưng không thể phủ nhận, chính mạng lại tích cực ngăn chặn bạo lực tốt nhất bởi vai trò tương tác ngược của dư luận. Rõ nhất là, bạo lực mới diễn ra một phía từ kẻ mạnh và bị ngăn chặn kịp thời để không phải chứng kiến sự phản kháng bằng những đòn trả thù khốc liệt.
Chuyện học trò đánh nhau được quy cho sự khủng hoảng tâm lí của tuổi vị thành niên. Hẳn nhiên. Đó là cái tuổi bùng phát năng lượng, khi chưa có cơ hội giải phóng chính đáng tất yếu sẽ giải phóng thành bạo lực. Bạo lực trở thành niềm vui của không ít thanh thiếu niên khi chúng không tìm thấy niềm vui trong học tập và sáng tạo.
Theo tôi, động cơ của những vụ học sinh đánh nhau là tâm lí thích làm “người hùng”. Sự bắt chước người hùng trong các phim bạo lực là có. Nhưng cũng phải thấy, ngay trong nội dung giáo dục, nhiều bài học đã vô tình nuôi dưỡng động cơ ấy.
Trong hàng loạt những bài học về đạo đức, lối sống, chính bài học về “đạo đức anh hùng ca” lại tiêm nhiễm vào tuổi trẻ nhanh nhất, mạnh nhất. Thật khó hiểu khi các sách giáo khoa văn chương của ta giảng dạy anh hùng ca không chuẩn. Chính việc nêu gương các nhân vật anh hùng thời cổ đại trong anh hùng ca như đánh nhau vì tình yêu, vì danh dự và tự trọng đã tạo ra các nhân cách lệch lạc, méo mó.
Học sinh bắt chước người hùng để biểu dương quyền lực, danh dự và tự trọng khi không nhận rõ đó chỉ là sản phẩm cường điệu của thời đại hoang dã. Trong khi, chính Engels (trong Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước) xem anh hùng ca chỉ là sản phẩm của cuộc đấu tranh hoang dã trong thời chiếm hữu nô lệ.
Tính chất của những sự vụ đánh nhau và cổ vũ đánh nhau mà người ta thường cho là vô cảm thực chất lại là sản phẩm đầy cảm hứng bạo lực mà học sinh học được từ phim hành động và từ anh hùng ca thời hoang dã.
Người lớn cũng đánh nhau thì thuộc hiện tượng gì?
Trong nghĩa rộng, bạo lực học đường không chỉ giới hạn ở việc học sinh đánh nhau mà còn có sự tham gia của người lớn: giáo viên đánh học sinh, phụ huynh đánh giáo viên. Chẳng lẽ đó cũng là tâm lí vị thành niên? Nếu là tâm lí vị thành niên thì rõ là người lớn chưa vượt qua giai đoạn khủng hoảng năng lượng thừa khi không biết dịch chuyển vào đâu để thay cho bạo lực?
Phải nói là thời tôi đi học, chuyện giáo viên đánh học sinh không phải ít xảy ra. Hình ảnh ông thầy cầm cây thước quyền lực trong tay, không gõ vào đầu học sinh những khi nóng giận mới là chuyện lạ. Nhưng học sinh đánh lại người thầy, kéo theo phụ huynh cũng tấn công thầy là hoàn toàn không có.
Người ta sẽ quy cho sự mất tôn ti dẫn đến rối loạn các mối quan hệ truyền thống là có cơ sở. Nhưng cũng không phải vì thế mà ngược dòng trở về cái thời thầy giáo được độc quyền đánh học sinh. Luật Giáo dục đã cấm thầy giáo hành xử bạo lực là một sự tiến bộ lớn trong giáo dục hiện đại.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, chính chủ trương giáo dục “lấy người học làm trung tâm” là bi kịch của tình thế lộn ngược khi nội dung triết lí kia không được hiểu đến nơi đến chốn. Khi dân trí không có nền tảng vững chắc, sự chuyển hóa từ thái cực này sang thái cực khác, vai trò người thầy bị hạ bệ và người thầy bị bạo hành là chuyện đương nhiên.
Trong khi triết lí lấy người học làm trung tâm ở phương Tây không bị hiểu như ở Việt Nam, thậm chí đã thay thế thành triết lí tương tác đa tâm. Không có chuyện lấy người học làm trung tâm là vai trò người thầy bị phế bỏ.
Tính chất đa tâm thể hiện ở sự tương tác giữa các nhóm trò với trò, giữa trò với thầy trong mối quan hệ bình đẳng, tôn trọng cá nhân và sáng tạo. Sự tương tác này dẫn đến hoạt động của các chủ thể với mối quan hệ kiểm soát lẫn nhau để phát triển và điều chỉnh nhân cách, năng lực.
Đánh thầy giáo cũng là một lối hành xử theo bản năng hoang dã khi các cá nhân bị hoang tưởng mình đang được đóng vai trò trung tâm thống trị toàn bộ hoạt động giáo dục.
Giải pháp nào chống bạo lực học đường?
Vạch được nguyên nhân trên cũng là tìm ra giải pháp phòng chống bạo lực học đường.
Theo tôi, đạo đức tối thiểu vẫn là sống và làm việc theo pháp luật. Khi pháp luật không đủ sức răn đe thì sự thực thi pháp luật đang có vấn đề.
Bạo lực học đường thực chất là một vấn đề xã hội, bởi học đường không phải là thánh địa tách khỏi xã hội. Hàng ngày có bao nhiêu thông tin về bạo lực: chém, giết, cướp, hiếp nhưng việc xử lí không phải bao giờ cũng nghiêm minh, công bằng. Khi pháp luật không nghiêm minh và công bằng thì con người có khả năng buông thả và hành xử ngoài vòng pháp luật.
Điều này chẳng khác nguyên nhân mà thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến nói. “Thứ nhất là gia đình không quan tâm con cái, thứ hai là nhà trường thiếu trách nhiệm, không quan tâm, để các cháu muốn làm gì các cháu làm. Những mâu thuẫn trong các nhóm học sinh, nhà trường lại không biết được, thậm chí là có những thờ ơ khi có một số cháu lên phản ảnh với trường hoặc về tâm sự với bố mẹ thì lại được cho đấy là chuyện vặt nên dẫn đến sự bùng phát lớn như thế. Vậy nên phải phát hiện sớm để có cái biện pháp giải quyết”. Thiếu tướng nói trong phạm vi học đường mà quên rằng, học đường bây giờ đã không còn là thánh địa mà chỉ là bản sao của đời sống xã hội.
Tất nhiên, ở học đường, với tâm lí tuổi vị thành niên, theo tôi, giải pháp phòng chống bạo lực từ gốc vẫn là liệu pháp tâm lí.
Tuổi trẻ bộc phát năng lượng thừa cần được dịch chuyển thành năng lực của niềm vui học tập, sáng tạo. Đây là vấn đề khó, đòi hỏi cải cách căn bản và toàn diện giáo dục, biến áp lực thành động lực thật sự trong học tập.
Áp lực từ cha mẹ, áp lực từ thầy cô, áp lực từ nội dung và phương pháp dạy học sáo mòn, áp lực từ đánh giá chất lượng, thành tích là điều kiện cho bản năng bạo lực phát sinh mà những nguyên cớ đánh nhau vớ vẩn kia chỉ là bề mặt.
Các nhà soạn sách giáo khoa và những nhà giáo đến lúc cần nghiêm túc nhìn nhận lại cách hiểu và dạy anh hùng ca đúng nghĩa với định hướng tích cực tâm lí “người hùng” cho tuổi vị thành niên; thay bằng khuếch trương chủ nghĩa anh hùng là gia tăng lí tưởng nhân văn: sống hòa hợp, yêu thương.
Cuối cùng, cần giải định kiến cực đoan cả lấy người thầy làm trung tâm lẫn lấy người học làm trung tâm.
Giáo dục thế giới đã thay lí thuyết một trung tâm cực đoan thành đa tâm.
Quan hệ bình đẳng và tôn trọng khác biệt là điều kiện phát triển tự do sáng tạo cá nhân, đồng thời cũng ràng buộc cá nhân vào trong những quan hệ tất yếu để phòng chống bạo lực như hiện tượng của bản năng hoang dã. Sự duy trì bạo lực, dù ở bất cứ quan hệ nào, không bao giờ là chỉ báo cho một sự văn minh.
TS. Chu Mộng Long
" alt=""/>Bạo lực học đường: Một góc nhìn khác