Im lặng hay lên tiếng? Từ khi biết chuyện tới giờ trong lòng tôi sục sôi câu hỏi này.Cô giáo của con nhìn tự tin và đàng hoàng, nhà cửa khang trang, xe cộ đầy đủ.
Vậy mà cô vẫn bày trò...
|
Ảnh minh họa trên Báo Giáo dục Việt Nam
|
Sau một tháng học trước khi khai giảng chính thức, đến đón con, cô giáo đã bóng gió nói rằng cháu học hơi yếu so với các bạn, bố mẹ cần tăng cường kèm cặp. Đã kinh qua 3 năm học đầu đời của con, tôi hiểu ngay cô đang muốn nói chuyện gì, nên cũng thẽ thọt mà nói rằng “Vợ chồng em bận quá, nếu cô có thời gian kèm cháu thì cho em gửi”.
Thế là cô bảo tôi đưa con tới nhà học thêm. Lớp VIP, 4 học sinh, học phí cũng VIP luôn, tận 200 nghìn đồng mỗi buổi. Mấy tháng trước thì mỗi tuần hai buổi. Tới lúc sắp thi học kỳ cô bảo phải tăng thời gian, mỗi tuần lên tới 4, 5 buổi.
Với giá học như thế rồi, cô nói thế rồi, nên lúc đầu tôi cũng yên tâm thật. Nắng cũng như mưa, cun cút đưa con tới nhà cô, cũng xa xôi chứ chẳng gần nhà tẹo nào.
Cho đến một ngày, bỗng dưng con bảo: “Toàn... con cô dạy mẹ ạ”. Tôi không tin, còn nghĩ bụng chắc hôm đó cô bận nên con cô ra trông giúp một tí”.
Nhưng buổi sau hỏi, con vẫn bảo “Con cô dạy, toàn cho bọn con bài tập để làm”. Nên tôi bắt đầu nghi nghi. Nên một hôm, tôi lén đến đón sớm hơn hẳn để… nhìn trộm. Quả nhiên trẻ con không biết nói sai. Cô bé sinh viên con cô đang ngồi… xem điện thoại, 4 “học sinh VIP” cắm mặt làm bài. Chỉ đến sát giờ ra về, cô giáo mới ra ngồi lại, để “ngụy trang”.
Hôm qua và cả hôm kia cũng thế. Tuần sau thi học kỳ rồi, cô lại nhắn đưa con đến để cô kèm. Cứ tưởng sát giờ thi, cô sẽ khác vì cô bảo kéo dài giờ học thêm nửa tiếng nữa, nhưng không ngờ cô lại vẫn để con dạy.
Lúc đón con tôi thử hỏi “Cháu tiếp thu ra sao hả chị?”. Mặt cô tỉnh bơ, nhận xét như đúng rồi. Tôi toan nói hụych toẹt, vì thật tình thấy uất lắm rồi. Chỉ vì vài triệu bạc mà lại mong nhàn nhã, mà cô bày trò gian. Nhưng lại nuốt nghẹn, vì lo con bị trù, nên cố nhịn.
Dọc đường về cứ ấm ức vì thấy mình hèn. Hèn ngay từ lúc ngoan ngoãn cho con đi học thêm, tự lừa mị mình rằng học cô, thay vì gia sư, sẽ tốt hơn vì cô trò sẵn gần gũi, hiểu nhau, cô lại có khả năng sư phạm. Hèn vì tự ca bài “người tử tế việc tử tế” với mình rằng thôi thì cũng là phần nào giúp cô cải thiện đồng lương cho một cái nghề vất vả...
Cơ mà, tôi vào thế khó thật rồi, để được sống đúng như mình muốn.
Im lặng hay lên tiếng? Trong lòng tôi sục sôi câu hỏi này.
Nếu lên tiếng, có hai tình huống có thể xảy ra. Trong trường hợp tôi nói thẳng với cô, chắc cô không nề hà gì mà bảo hôm đó bận quá nên có nhờ cháu ra trông hộ một tẹo. Nhưng từ đó thì con tôi sẽ ra sao? Có bị trù dập không?
Quay lén lấy bằng chứng thì quá dễ dàng với các thiết bị công nghệ như hiện nay. Nhưng gửi bằng chứng cho ai? Cho hiệu trưởng của cô? Có thể cô bị kỷ luật, nhưng sẽ vẫn dạy tiếp lớp học chính, và con tôi sẽ bị trù. Nếu chuyển qua lớp khác, con tôi vẫn “có vết” ở trong trường, cô giáo nào cũng nhìn nó với ánh mắt… kỳ thị, vì có phụ huynh chơi một cú “hoành tráng” như vậy.
Còn nếu tung “bằng chứng” lên mạng xã hội, thì tôi chẳng lường hết được những chuyện gì tiếp theo…
Nếu im lặng: Im lặng rồi tiếp tục đưa con tới học thêm, con tôi sẽ yên ổn qua học kỳ tới, rồi lên lớp 5 là chuyển qua cô giáo khác. Im lặng và tìm cách xin con nghỉ học thêm một cách êm thấm nhất? Có lẽ cô giáo sẽ khó chịu, bằng mặt nhưng không bằng lòng, và con cũng sẽ bị trù…
Trong một cái nghề rất dễ giở mấy trò trù dập tinh vi, không ai bắt được vào đâu. Nếu là mình thì còn có khả năng tự vệ khi bị trù, nhưng trẻ con, lại nhát như con tôi, nghe chừng là khó.
|
Tiết lộ đề cho học sinh tại lớp học thêm (Ảnh Báo Tuổi trẻ). |
Ví dụ nhé, trường công có quy định đảo vị trí học sinh để đảm bảo công bằng cho 50 em/ lớp, nhưng trên thực tế, từ ngày con tôi học thêm ở nhà cô thì luôn được cô ưu tiên xếp ngồi hai bàn đầu dù mắt sáng như sao và cao chả kém bạn nào.
Không học thêm, có khi mạt kiếp cô cho ngồi cuối lớp. Mà với lớp 50 đứa, cứ ngồi tận dưới đó, cô lại chỉ chăm chắm vào dạy thêm, sẽ rất khó theo được bài.
Hai năm rồi, cũng nhờ đi học thêm các cô nên điểm thi của con cao, nhờ được khoanh vùng đúng tủ, được cô dặn “cứ về học thuộc bài văn này”…
Hay một cách… bạo hành tinh vi, mà năm trước tôi đã nếm mùi với cậu con trai nhỏ. Đó là sau vụ cô giáo để con bị lạc sau giờ học, khiến cả nhà được một phen kinh hoảng, cô giáo không những không ân hận lại còn mặt nặng mày nhẹ, ra ý như nhà mình làm ảnh hưởng uy tín của cô.
Tôi vừa lo vừa ức, gặp hiệu trưởng trình bày cả tiếng xin chuyển lớp, nhưng kết quả là cô hiệu trưởng bò ra khuyên tôi không nên làm thế. Nào là "làm thế là xáo trộn tâm lý của con và ảnh hưởng uy tín của cô"… Nào là "còn các cô khác nhìn vào, khổ thân, mà cô ấy thật ra tốt, chỉ không khéo"... Nào là "thôi em ạ, còn mấy tháng nữa rốn nốt, chị cam đoan, chị đảm bảo"... Tôi cả nể, lại thôi.
Nhưng từ đó, thay đổi duy nhất là cô chuyển từ nặng nhẹ sang cười gượng mỗi khi giáp mặt, và nói những câu giả lả, cười nịnh rất thô. Còn thì cậu con vẫn ngán ngẩm việc đến lớp, mẹ thì hiểu ở lớp cô làm trò gì với nó vì trường công không có camera… Cho đến năm nay đổi qua cô khác, con mới háo hức đi học và về kháo chuyện ở lớp.
Nhớ ngày xưa mẹ tôi cũng dạy cấp 1. Thời đó vất, để lo cho được đám con ăn học, mỗi sớm mẹ phải dậy từ 4h sáng đi rải bánh mì cho các quán ngoại ô, cách nhà cả chục cây số rồi tất tưởi về đi dạy. Thế mà tối nào mẹ cũng ngồi cặm cụi soạn bài và chấm vở học sinh đến khuya. Có lần thương mẹ quá mà không biết làm sao, tôi đành xin... chấm vở học sinh giúp mẹ, thì mẹ bảo: "Thôi làm thế người ta biết mang tiếng ra...".
Vậy nên, tôi im lặng thôi. Để giữ sự bình yên cho con. Nhưng tôi phải nói với con sao đây, về sự gian dối của người lớn…
Phụ huynh Minh An
Mời bạn đọc chia sẻ các tình huống khó xử, các kinh nghiệm giải quyết tình huống đã trải qua theo địa chỉ: [email protected]. Cảm ơn các bạn
|
">