Những căn biệt thự, nhà liền kề có giá từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng được xây dựng ồ ạt tại nhiều khu vực ở Hà Nội rồi lại bỏ hoang. Ngoài lý do hạ tầng chưa đồng bộ, không ít bất động sản này là “hàng” do các nhà đầu tư găm giữ.Giảm giá, hoang lạnh và… ế!
Trong vai người mua nhà, PV được một “cò” nhà đất tên Long dẫn đi xem một vòng khu nhà ở Tổng cục V. “Cò” Long cho biết, dự án này được quy hoạch chi tiết 1/500, rộng 23,5 ha, do Công ty CP HTG làm chủ đầu tư. Dự án có vị trí khá thuận lợi khi nằm cuối đường Chiến Thắng tiếp giáp với khu đô thị (KĐT) Văn Quán (Hà Đông), đồng thời nằm trên trục đại lộ Chu Văn An đang thi công với mặt cắt 53,5m nối ra đường vành đai 3. Trong tương lai, dự án này còn được thừa hưởng nhiều dịch vụ giải trí, môi trường sống vào loại tốt nhất ở Hà Nội của khu dự án The Manor Central Park và công viên doanh nhân Chu Văn An do Công ty CP Bitexco làm chủ đầu tư.
Năm 2013, nhiều đại gia tìm tới khu này đầu cơ mỗi người vài căn để dành chờ thị trường. Khi đó, căn liền kề diện tích 60-80m2 được bán với giá 40-60 triệu đồng/m2. Nhưng hiện tại, giá rao bán các căn liền kề xây thô 4 tầng chỉ dưới 4 tỷ đồng. Theo “cò” đất này, đến nay chỉ có khoảng 20% số hộ hoàn thiện về ở.
Theo ghi nhận của PV, nhiều ngôi biệt thự bị bỏ hoang xuống cấp, cỏ mọc um tùm, rác rưởi vứt đầy trong khuôn viên. Một số biệt thự, nhà liền kề được chủ nhà xây bịt kín cổng và các lối ra vào bằng gạch hoặc đóng ván gỗ… Lác đác có 2-3 căn nhà liền kề đang được công nhân gia cố trát, hoàn thiện.
Những người dân sinh sống ở đây cho biết, nguyên nhân của tình trạng này là do hệ thống hạ tầng giao thông nối trục đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển vào khu vực này chưa hoàn thiện. Hiện mới chỉ có 1 đường đi chính từ Nguyễn Trãi vào Chiến Thắng (Văn Quán) để vào khu nhà tổng cục V, nhưng phía cuối đường lại bị thắt, gây lo ngại tắc đường nghiêm trọng giờ cao điểm. Lượng người sống ở đây còn thưa thớt, khu vui chơi giải trí hay dịch vụ (siêu thị, trung tâm thương mại) chưa được đầu tư. Hệ thống đèn cao áp chưa đồng bộ khiến ban ngày vốn đã vắng vẻ, đêm về càng hoang lạnh.
|
Dự án khu nhà ở Tổng cục V hoang vắng, cỏ mọc um tùm vì hạ tầng chưa đồng bộ |
Gần đó, hàng loạt biệt thự, nhà liền kề tại KĐT mới Cầu Bươu do Công ty CP Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội (Hanhud) làm chủ đầu tư cũng bỏ hoang cả chục năm nay. Nhiều chủ biệt thự đang rao bán với giá chỉ còn 35 triệu đồng/m2 (giảm khoảng 5-10 triệu đồng/m2) so với trước.
Còn tại khu vực xung quanh trục đường Lê Trọng Tấn (huyện Hoài Đức), hàng loạt căn biệt thự, nhà liền kề của các chủ đầu tư như Thiên đường Bảo Sơn, Geleximco, Hoa Phượng hiện giảm giá bán chỉ còn 24-25 triệu đồng/m2.
Giải mã
Ông Vũ Kim Giang, Tổng Giám đốc Công ty CP bất động sản Hải Phát phân tích, cách đây khoảng 5-10 năm, giới đầu cơ vào phân khúc biệt thự, nhà liền kề được chia làm 2 nhóm: nhóm đầu tư chờ thời cơ bán kiếm lời (chiếm khoảng 30%) và nhóm đầu tư để tích trữ tài sản, dành cho con cái sau này hoặc để về hưu ở, cho thuê thu lợi nhuận (chiếm 70%). Nhưng sau đó, thị trường nhà đất lao dốc, giá nhà đất giảm nên các nhà đầu tư không muốn bán.
Theo ông Giang, ngày trước, các chủ đầu tư làm phân khúc này chủ yếu tập trung vào sản phẩm nhà ở, không chú trọng đến việc cung cấp các tiện ích sống như khu vui chơi, trung tâm thương mại, không gian cảnh quan,… Hiện nay, nhiều khu đô thị mới mọc lên với đầy đủ tiện ích, không gian xanh khiến cho giao dịch mua bán tốt hơn các KĐT cũ.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, hiện phân khúc biệt thự, nhà liền kề chia thành 2 dạng: Dạng chưa hoàn thành hạ tầng (điện - đường - trường - trạm) khiến khách hàng không thể về ở và dạng đã đủ hạ tầng rồi nhưng chưa có các tiện ích, kết nối với người dân xung quanh (khu vui chơi, trung tâm thương mại,…). Khách mua nhà dạng này chủ yếu để về ở dịp cuối tuần hoặc về hưu mới ở hẳn. Vì vậy, dẫn tới tình trạng “vườn không, nhà trống”.
“Đa số, người ta mua được căn biệt thự phải bỏ ra vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng nhưng vì hạ tầng chưa đồng bộ nên họ chưa về ở được chứ chẳng ai muốn để không như vậy. Nhiều người lại chờ thị trường nóng lên mới bán để kiếm lời” – Vị này nói.
Trước thực trạng này, một cán bộ Sở Xây dựng kiến nghị, nhằm giải quyết triệt để bài toán tránh lãng phí đất đai tại các dự án biệt thự, nhà liền kề đang bỏ hoang lâu nay, Nhà nước cần đứng ra giải quyết theo hướng đầu tư hạ tầng hoặc có chính sách quyết liệt để tránh lãng phí đất đai.
Theo Tiền Phong Online
">