Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, người chủ trì Chiến lược quốc gia và Kế hoạch hành động về CMCN 4.0 trao đổi với VietNamNet.
Thưa Bộ trưởng, gần đây ông hay nhắc đến khát vọng hùng cường cho đất nước. Đâu là những luận điểm chính cho khát vọng đó?
Trong suốt chặng đường lịch sử, mọi người dân Việt Nam đều mong muốn cống hiến hết sức mình, xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam thịnh vượng, phồn vinh và hạnh phúc. Kể từ khi gia nhập nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình, Việt Nam luôn thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trên thế giới. Tuy nhiên, GDP bình quân đầu người mới đạt xấp xỉ gần 3.000 USD.
Nhìn sang các nước xung quanh, thu nhập bình quân đầu người của họ đều đã vượt lên 6.000-7.000 USD, Trung Quốc cũng đạt 10.000 USD. Muốn đuổi kịp họ, chúng ta phải duy trì tăng trưởng tốc độ cao liên tục trong thời gian dài, và phải khơi thông, tận dụng hết mọi tiềm năng, điều kiện của người dân, doanh nghiệp và đất nước cho phát triển.
Việt Nam hiện là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, năng suất lao động của nền kinh tế chưa cao; năng lực cạnh tranh quốc tế của cả nền kinh tế nói chung và nhiều ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu chưa mạnh. Nền kinh tế được vận hành theo cơ chế thị trường vẫn còn những khiếm khuyết cần phải hoàn thiện để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn lực và tính bền vững của phát triển.
Nếu chúng ta không có khát vọng tăng trưởng cao, bền vững thì khoảng cách với các quốc gia ngày càng doãng ra, chúng ta sẽ tụt hậu.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: "Hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng là một quá trình vận động không ngừng trước nhiều cơ hội và thách thức". Ảnh: Lê Anh Dũng |
Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi sâu sắc với cách mạng 4.0, ông nhìn thấy cơ hội của Việt Nam để thực hiện khát vọng đó?
Thế giới mà chúng ta đang sống đang thay đổi rất mau lẹ với nhiều diễn biến phức tạp, mức độ cạnh tranh kinh tế, thương mại toàn cầu ngày càng cao. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự xuất hiện của nhiều công nghệ chưa từng có đang làm thay đổi mạnh cách thức kinh doanh, vận hành nền kinh tế và doanh nghiệp. Các hình thái kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn ngày càng phổ biến. Bối cảnh này mang lại cả cơ hội và cả thách thức cho những nước đang phát triển như Việt Nam, đòi hỏi các nước phải rất nhanh nhạy nắm bắt cơ hội để vượt qua thách thức, nếu không sẽ không bắt kịp xu thế phát triển của thời đại.
Trong bối cảnh đó, chưa nói đến việc hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, chỉ riêng việc vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” đã là thách thức không nhỏ đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển trong đó có Việt Nam. Sẽ không thể thành công nếu không liên tục tìm tòi, sáng tạo, đổi mới tư duy, chủ động xây dựng cách thức phát triển nền kinh tế, đổi mới thể chế, cơ chế, chính sách.
Thưa Bộ trưởng, tầm nhìn đó sẽ được thể hiện vào trong các chủ trương, đường lối phát triển đất nước như thế nào?
Hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng là một quá trình vận động không ngừng trước nhiều cơ hội và thách thức. Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam xác định một định hướng quan trọng về thể chế là: Hoàn tất quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế. Xây dựng, hoàn thiện, thử nghiệm khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công, quản lý và bảo vệ môi trường theo nguyên tắc thị trường.
Về định hướng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chúng ta nhấn mạnh việc lấy doanh nghiệp làm trung tâm; cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, chấp nhận rủi ro cho việc triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới; thực hiện chuyển đổi số trong quản trị quốc gia, sản xuất, kinh doanh, tổ chức xã hội.
Ứng dụng và phát triển công nghệ mới, trong đó ưu tiên công nghệ số, kết nối 5G và sau 5G, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối (blockchain), in 3-D, Internet vạn vật (IOT), an ninh mạng, năng lượng sạch, công nghệ môi trường để chuyển đổi, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế, tức là thực hiện toàn diện quá trình cơ cấu lại nền kinh tế để chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Dự thảo Chiến lược cũng đưa ra định hướng quan tâm đầu tư đúng mức cho nghiên cứu khoa học cơ bản; tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ lõi, công nghệ số; tập trung xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, cạnh tranh, tạo nền tảng để tăng cường ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển; hình thành và phát triển hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, lấy doanh nghiệp là trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
Ông nhìn nhận như thế nào về mô hình kinh tế chia sẻ đang áp dụng tại Việt Nam trong bối cảnh còn nhiều ý kiến thảo luận trái chiều?
Mô hình kinh tế chia sẻ (sharing economy) với bản chất là sự hợp tác trong tiêu dùng, giữa các bên cung cấp, sử dụng dịch vụ/sản phẩm. Sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ đặc biệt là công nghệ thông tin đã cho phép người sở hữu chia sẻ những tài sản; kỹ năng; tài chính với những cá nhân khác một cách nhanh chóng thuận tiện; tối ưu hóa công suất sử dụng với chi phí thấp nhất.
Ở Việt Nam, các mô hình chia sẻ tuy xuất hiện muộn hơn nhưng với văn hoá chia sẻ vốn có của mình thì các sản phẩm kinh tế chia sẻ đã nhanh chóng được chấp nhận, trở lên quen thuộc với người dân. Từ các ứng dụng nhập khẩu như Uber, Grap, AirBnb, Agoda, Ebay…. các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã phát triển các sản phẩm thuần Việt về đặt xe (Be, FastGo), đặt chỗ du lịch (Trippy.vn), tài chính (Ví Momo), bán hàng qua mạng (Tiki); chia sẽ văn phòng làm việc .... kết nối giữa người có tài sản, dịch vụ với người có nhu cầu sử dụng thông qua nền tảng internet/mạng xã hội...
Những dịch vụ này đã góp phẩn nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản cũng như chất lượng cuộc sống của người dân. Mô hình kinh doanh mới sẽ giúp thị trường cạnh tranh hơn và loại hình dịch vụ đa dạng hơn, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng,mở ra cơ hội đầu tư, tạo việc làm, tăng thêm thu nhậpcho người lao động; đồng thời cũng sẽ giúp tiết kiệm tài nguyên, tận dụng tối đa công suất tài sản dư thừa, cũng như thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở Việt Nam.
Vấn đề luật pháp, thể chế vẫn còn thiếu và yếu để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp,… thưa ông?
Chúng ta đã đạt được nhiều kết quả trong hoàn thiện khung khổ thể chế chính sách về đầu tư, doanh nghiệp cũng nhưng nâng cao môi trường đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng một cách đầy đủ nhất, nhanh chóng những yêu cầu về nội dung, trình tự của các dự án khoa học công nghệ, các mô hình kinh doanh mới (như doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, kinh tế chia sẻ, v..v..).
Đối với các mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ như kinh tế chia sẻ chúng ta còn thiếu các chính sách để đảm bảo cạnh tranh công bằng; quản lý chất lượng sản phẩm; phân định trách nhiệm các bên và doanh nghiệp cung cấp nền tảng; vấn đề lao động, việc làm, bảo hiểm đối với người lao động và chủ sử dụng lao động;…. Còn thiếu hoặc chưa hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý thuế, quản lý các giao dịch thanh toán điện tử xuyên biên giới để có thể giám sát việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các đối tác nước ngoài tham gia vào các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Các quy định về an toàn, an ninh thông tin cũng còn chưa thực sự đầy đủ.
Các lĩnh vực, ngành, nghề ưu đãi đầu tư còn dàn trải, thiếu tính chọn lọc, chưa thực sự khuyến khích sự phát triển của các dự án khoa học công nghê cao, mô hình kinh doanh mới. Tiêu chí, điều kiện và hình thức áp dụng ưu đãi đầu tư thiếu tính linh hoạt, chậm được đổi mới để đáp ứng yêu cầu thu hút các nguồn vốn đầu tư có chất lượng cao, khuyến khích hoạt động đổi mới, sáng tạo, chuyển giao công nghệ, hoạt động nghiên cứu-phát triển (R&D), thúc đẩy liên kết ngành, liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Trên cương vị Bộ trưởng, ông sẽ đặt trọng tâm vào những chính sách gì để thúc đẩy lĩnh vực này?
Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Chiến lược quốc gia và Kế hoạch hành động về CMCN 4.0. Chúng tôi đang hoàn thiện và sắp trình để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tôi cho rằng, Việt Nam cần hình thành hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo để từ đó hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam, góp phần nâng cấp hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia một cách căn bản. Chúng tôi đã có kế hoạch thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng, chúng ta cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa mô hình kinh doanh mới và kinh tế truyền thống theo hướng rà soát, bãi bỏ các quy định về điều kiện kinh doanh không phù hợp với lĩnh vực kinh doanh truyền thống để thích nghi với sự đa dạng và phát triển nhanh của nền kinh tế số, trong đó có kinh tế chia sẻ.
Ở các lĩnh vực có tiềm năng rủi ro cao (tài chính, ngân hàng, v.v.), cần xây dựng khung thể chế thí điểm để các doanh nghiệp hoạt động thử nghiệm, dần dần hoàn thiện công nghệ và đáp ứng các yêu cầu quản lý.
Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0. Dự kiến sẽ có nhiều thay đổi trong hai dự luật này nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp thuận lợi nhất trong việc tham gia, thúc đẩy công nghiệp 4.0.
">