Theo báo NY Times, nếu "gật đầu" trước đề nghị trên, Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại quá lớn nhưng nếu "lắc đầu" thì hình ảnh của nước này trên thế giới sẽ bị hủy hoại. |
Sri Lanka khát tiền để kích thích tăng trưởng nên vay mượn nhiều từ Trung Quốc trong những năm gần đây. (Ảnh: NY Times) |
Trong cuộc điện đàm hồi tháng 4 với người đồng cấp Trung Quốc, Ngoại trưởng Pakistan nêu một đề nghị khẩn thiết: Kinh tế Pakistan đang trượt dốc và Islamabad muốn tái cấu trúc các khoản vay trị giá hàng tỷ đôla từ Bắc Kinh.
Thực tế, Bắc Kinh đã nhận được vô số đề nghị tương tự từ Kyrgyzstan, Sri Lanka và nhiều nước châu Phi muốn tái cấu trúc, hoãn lại hoặc xóa các khoản nợ trị giá hàng chục tỷ đôla đến hạn phải trả trong năm nay.
Trong hai thập niên qua, Trung Quốc là nước cho vay nhiều nhất thế giới, rót cho các quốc gia khác hàng trăm tỷ đôla trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng và vươn lên thành siêu cường kinh tế - chính trị. Bên vay thường thế chấp các cảng biển, các mỏ và nhiều tài sản có giá trị khác.
Giờ đây, khi kinh tế toàn cầu chao đảo vì đại dịch Covid-19, ngày càng có nhiều "con nợ" báo với Bắc Kinh rằng họ không thể trả lại tiền.
Theo NY Times, Trung Quốc đang đứng trước những lựa chọn vô cùng khó khăn. Nếu tái cấu trúc hoặc xóa hẳn những khoản nợ này, hệ thống tài chính của Trung Quốc sẽ căng ra và người dân sẽ bất bình bởi chính họ cũng đang chịu ảnh hưởng từ suy giảm kinh tế trong nước.
Còn nếu nhất quyết đòi thanh toán nợ đúng hạn thì Trung Quốc sẽ bị tổn hại hình ảnh của mình trên toàn cầu.
Uy tín của Trung Quốc trên thế giới hiện nay vốn đang lung lay. Nhiều nước công khai nghi ngờ vai trò của Bắc Kinh trong đại dịch Covid-19, vì ban đầu vào tháng 1, giới chức Trung Quốc giảm nhẹ tính nghiêm trọng và sự lây nhiễm của dịch bệnh.
Bắc Kinh hiện đang nỗ lực bán và tặng khẩu trang cùng trang thiết bị y tế để giúp cải thiện hình ảnh. Chỉ một bước đi sai lầm cũng có thể cản trở các tham vọng toàn cầu của cường quốc này.
Trong khi đó, các rủi ro về tài chính là rất lớn. Viện Kiel, một tổ chức nghiên cứu Đức, cho rằng tổng số tiền Trung Quốc cho thế giới đang phát triển vay hiện vào khoảng 520 tỷ USD hoặc hơn, phần lớn được giải ngân từng phần trong vài năm trở lại đây.
Như vậy, Trung Quốc đang là chủ nợ lớn hơn cả Ngân hàng Thế giới (WB) hoặc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Dẫn đầu là sáng kiến Vành đai và Con đường - chương trình 1 nghìn tỷ USD do Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ đạo nhằm rót tiền vào các dự án hạ tầng khắp thế giới. Kể từ khi sáng kiến bắt đầu năm 2013, Trung Quốc đã cho các nước vay tới 350 tỷ USD, mà khoảng một nửa trong danh sách được coi là "những con nợ rủi ro cao".
Bắc Kinh bác bỏ ý kiến xóa nợ đồng loạt, nhưng phát tín hiệu sẵn sàng đàm phán. Trong một số trường hợp, nước này đã hành động: Chính phủ Kyrgyzstan thông báo hồi tháng 4 rằng Trung Quốc đã chấp nhận tái cơ cấu 1,7 tỷ USD các khoản thanh toán nợ, nhưng không tiết lộ chi tiết.
Một số quốc gia khác hiện đang hy vọng được giãn nợ.
"Chúng tôi không chỉ nêu đề nghị với Trung Quốc" mà với cả Nhật Bản, Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka S.R. Attygalle thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn. Ông cho biết, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã mở rộng hạn mức tín dụng lên 700 triệu USD để giúp đỡ Sri Lanka, hạ lãi suất và lùi thời hạn thanh toán thêm 2 năm.
NY Times dẫn lời một số nguồn thạo tin cho biết, ngoài những bước đi như trên, giới chức Trung Quốc vẫn chưa quyết định làm thế nào để giải quyết vấn đề.
Sáng kiến Vành đai và Con đường là một chủ đề nhạy cảm trước khi đại dịch bùng phát. Các nhà chức trách Trung Quốc hiện đang lo ngại liệu có quá nhiều ngân hàng và công ty cùng rót tiền vào các nước mà không phối hợp chặt chẽ hay không.
Trong khi đó, hệ thống tài chính của Trung Quốc hiện nay cũng đang căng ra vì nợ tích tụ của các công ty nhà nước và chính quyền các địa phương để duy trì tăng trưởng.
Thanh Hảo
" alt=""/>Thêm hậu quả từ Covid