TS Lê Kim Ngân hiện đang là giảng viên tại ĐH Monash, đồng thời cũng là phụ huynh có con đang theo học bậc tiểu học tại Úc. Chị Ngân đã có những chia sẻ với VietNamNet về kinh nghiệm dạy và học online tại quốc gia này.Học online, mọi thứ đơn giản hơn
Ngay từ trước khi có dịch Covid-19, việc học tại Úc đã diễn ra khá nhẹ nhàng. Học sinh - đặc biệt là học sinh tiểu học – được giao rất ít bài tập về nhà. Giáo viên chủ yếu giao bài theo tuần và học sinh chỉ cần một buổi tối là đã có thể hoàn thành hết bài tập của một tuần ấy.
Đến khi chuyển sang hình thức học online, mọi việc còn đơn giản hơn rất nhiều. Giáo viên, học sinh cũng thích ứng khá nhanh. Thay vì phải ngồi hàng giờ trước màn hình máy tính, mỗi ngày, giáo viên chỉ gặp học trò khoảng 2 – 3 lần.
Từ 9 giờ sáng khi bắt đầu ngày học, giáo viên sẽ chào hỏi, dặn dò và giao nhiệm vụ học tập trong ngày như làm Toán, làm tiếng Anh hay viết luận,... Sau đó, học sinh sẽ phải tự giác hoàn thành những đầu việc mà thầy cô đã giao. Học sinh nào làm nhanh có thể hoàn thành xong trước khi buổi học kết thúc, sau đó có thể làm những bài tập bổ sung nếu có nhu cầu. Bạn nào chậm hơn cũng không quá áp lực bởi cô giáo không hề la mắng.
Tới buổi trưa, giáo viên sẽ gặp lại học trò một lần nữa, đồng thời cũng dành ra khoảng 60 phút để giải đáp những thắc mắc của học sinh nhằm giúp các em hiểu bài cặn kẽ hơn. Học sinh ở Úc ngay từ khi còn nhỏ đã được khuyến khích nói lên quan điểm của mình. Do đó, các em thường không ngần ngại hỏi hay che giấu những điều mà mình không biết. Nhờ thế, khoảng thời gian hỏi đáp này cũng rất hữu ích đối với học sinh.
Đối những phần kiến thức mới, giáo viên sẽ quay lại dưới dạng video ngắn, sau đó đăng tải lên website của nhà trường để học sinh có thể vào xem. Nhờ đó, nếu chưa hiểu, học trò vẫn có thể xem đi xem lại nhiều lần.
Bài tập của học sinh sau khi hoàn thành sẽ được phụ huynh đăng tải lên website của trường để giáo viên chấm điểm. Trong điện thoại của phụ huynh cũng có ứng dụng liên kết trực tiếp để nhận lại những đánh giá từ phía giáo viên, từ đó có thể kịp thời theo dõi tình hình học tập của con em mình.
Còn đối với giáo viên, thông qua việc chấm bài cũng có thể nắm bắt được từng học sinh hiểu bài đến đâu, đang bị thiếu hụt kiến thức gì để bù đắp thêm.
Việc kiểm tra, thi cử kể cả khi học trực tiếp hay online cũng được đánh giá theo trình độ của từng học sinh. Ví dụ, bạn nào học giỏi hơn sẽ có bài kiểm tra khó hơn để xem sự tiến bộ của người học trong học kỳ này so với học kỳ trước ra sao. Trong lớp cũng không có bảng xếp hạng từ cao xuống thấp, mà chỉ có đánh giá dựa trên sự tiến bộ của học trò.
TS Lê Kim Ngân hiện là giảng viên tại ĐH Monash.
Cũng kể từ năm ngoái, khi các trường ở Úc chuyển sang học online, phụ huynh đều nhất trí ủng hộ. Bởi lẽ, trong quá trình học, các trường ở Úc vẫn nỗ lực hết sức để hỗ trợ cho phụ huynh và người học. Với những gia đình không có điều kiện, học sinh có thể mượn laptop hay Ipad từ phía nhà trường.
Đối với những học sinh đặc biệt hoặc những em có cha mẹ làm trong những ngành nghề thiết yếu, không thể chăm sóc con ở nhà, các trường vẫn mở cửa để đón học sinh, đồng thời phân công giáo viên chăm sóc và dạy học cho trẻ. Do đó, phụ huynh không gặp phải khó khăn hay vướng mắc gì quá nhiều khi con chuyển sang học trực tuyến.
Lợi ích của học online khi học sinh trở lại trường
Tất nhiên, khi dạy học online, sẽ có những hạn chế không thể tránh khỏi như cả cô và trò đều không được tương tác trực tiếp với nhau, khiến cảm xúc bị “tụt” xuống. Ngoài ra, tại một số nơi, đường truyền chậm cũng là một điều bất lợi khiến giờ học bị gián đoạn.
Cho nên, điều quan trọng nhất khi triển khai dạy online là giáo viên phải thay đổi cách dạy. Thầy cô không thể giữ nguyên theo cách dạy “cổ điển”, tức thầy cầm phấn viết lên bảng, trò ở dưới chép lại. Cách dạy truyền thống như vậy khi áp dụng sang dạy học online sẽ không còn hiệu quả nữa.
Ở Úc, trước khi dạy online, thầy cô sẽ soạn sẵn những phần nội dung quan trọng cần truyền tải tới học sinh một cách ngắn gọn, sau đó sẽ đăng tải trước lên website của nhà trường để học sinh có thời gian xem và tìm hiểu. Bước vào giờ học, giáo viên cũng sẽ lần lượt giải thích thêm bằng lời và phần lớn thời gian dành cho hỏi đáp.
Ví dụ khi dạy ở ĐH Monash, tôi cũng thường thu lại bài giảng của mình, sau đó đăng tải lên website của trường, một mặt để những sinh viên không tham gia được vào giờ học đó vẫn có thể xem lại, một mặt vẫn có thể sử dụng lại video bài giảng, sau đó cắt ra các phần nội dung ngắn gọn, súc tích, dài từ 5 – 10 phút.
Nhờ đó, điều này cũng rất thuận tiện cho sinh viên khi ôn tập để thi cuối khóa hoặc những sinh viên mong muốn tìm hiểu nội dung bài mới trước khi bắt đầu tiết học của những khóa học tiếp theo.
Tôi cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể ứng dụng những lợi ích của việc học online, kể cả khi học sinh đã quay trở lại học trực tiếp. Tôi ấn tượng với ý tưởng Việt Nam đang thực hiện là xây dựng kho học liệu số trực tuyến cho phép cộng đồng cùng tham gia biên soạn, đóng góp.
Nhờ đó, giáo viên, học sinh ở khắp mọi miền có thể truy cập vào để xem bài giảng. Học sinh ở khắp nơi cũng có thể được học từ những người thầy giỏi nhất. Điều này sẽ mang lại sự công bằng trong việc tiếp cận nội dung giáo dục có chất lượng giữa học sinh ở các vùng miền.
Tất nhiên, khi đã có bài giảng tốt, vẫn cần phải có sự dìu dắt, định hướng của người thầy. Bởi lẽ, không phải học sinh nào cũng đủ kỷ luật và có khả năng để tự học, sử dụng nguồn tài nguyên đó để tự trau dồi kiến thức cho bản thân mình.
Do đó, người thầy lúc này sẽ đóng vai trò là người định hướng, dẫn dắt chứ không đơn thuần là người truyền thụ kiến thức nữa.
Thúy Nga(ghi)
GS Việt ở Mỹ: Học online, trách nhiệm lớn nhất thuộc về nhà quản lý
Mới đây, GS Phan Văn Tuộc, GS Toán của Trường ĐH Tennessee (Mỹ) đã có những chia sẻ với VietNamNet về việc học trực tuyến tại Mỹ.
" alt="Vì sao học online bậc tiểu học ở Úc khá nhẹ nhàng?" width="90" height="59"/>