- Những ngày cao điểm của kỳ thi chuyển cấp vào lớp 10 và chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia thì nổi lên những câu chuyện như: học sinh lớp 12 Trường THPT bị hạ hạnh kiểm vì “chê” bệnh viện trên Facebook, hay "lễ tổng kết năm học dành cho trò hay cho cô?"? Qua đó cho thấy 2 vấn đề: các trường đã lấy mục tiêu phục vụ người học làm mục đích chính hay chưa và phân biệt đối xử vẫn còn tồn tại trong một bộ phận người làm giáo dục.
Nhiều trường học đang có mỹ từ như: "Thể dục -Trí dục - Đức dục", "Tuổi trẻ là tương lai của đất nước" hay "Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người" v.v... nhưng thực tế không ít trường chưa toàn tâm toàn ý trong việc phục vụ học sinh.
Thể hiện khá rõ là có sự "phân chất" như phòng hiệu trưởng thì có máy lạnh - các phòng khác thì không; giáo viên thì sử dụng phòng vệ sinh riêng với học sinh v.v...
Ngôi trường cấp hai nằm trên địa bàn quận nơi tôi có đứa cháu đang theo học là một ví dụ.
Nhằm hạn chế việc học sinh lợi dụng xin đi vệ sinh để ra ngoài trong giờ học, nhà trường đã ra quy định em nào muốn đi vệ sinh thì phải ghi đơn xin có chữ ký của giáo viên đứng lớp rồi đưa thầy giám thị xem mới được. Nếu không khi phát hiện sẽ bị ghi sổ báo bài.
Nhà trường đã máy móc đánh đồng hàng ngàn học sinh toàn trường với một vài học sinh cá biệt mà ra một quy định "đi vệ sinh phải làm đơn" khá phản cảm.
Mới đây, tôi đưa con đi thi nghề với môn nhiếp ảnh. Học sinh lớp 8 được khuyến nghị học nghề. Nói là khuyến nghị nhưng vì có quy định cộng điểm thi chuyển cấp lớp 9 vào lớp 10 nên gần như 100% phụ huynh cho con em dự học để tranh thủ 1 - 2 điểm cộng thêm đề phòng rủi ro trong kỳ thi.
Mãi tới 8h mới bắt đầu thi nhưng giấy báo ghi 6h45 phải có mặt.
Ai cũng biết ban tổ chức cần có thời gian để làm thủ tục thi. Nhưng việc bắt học sinh đến trước giờ thi 75 phút là quá dài.
Đứng quan sát, tôi thấy họ làm việc cứ tàng tàng trong lúc bắt học sinh đứng đợi.
Nhìn một số con em nuốt vội gói xôi, ổ bánh mì rồi tất tả khuất sau cổng trường mà tội nghiệp.
Theo tôi nếu ban tổ chức cải tiến phong cách làm việc thì chỉ cần cho học sinh đến trước khoảng 30 phút là đủ.
Năm ngoái tôi đưa con đi thi lên đai đen Taekwondo do liên đoàn Taekwondo TP. HCM tổ chức thì "ớn" hơn, giấy báo thi ghi 6h45 phải có mặt nhưng tận 9h mới bắt đầu thi!
Quan chức, thầy cô thường xuất hiện trên bàn danh dự 5, 10 phút trước giờ chính thức; trong lúc học sinh là thành phần cần phải được ưu tiên thể lực trí lực để vào thi cho tốt thì bị đứng dưới sân trước hơn 2 tiếng đồng hồ. Nóng nực mệt mỏi, cảm giác nôn nóng chờ đợi bào mòn tâm huyết và thể lực của các em.
Đó là chưa nói nếu lấy số phút nhân trên đầu người thì con số thời gian bị lãng phí là cực lớn. Phải chăng năng suất lao động mấy chục người Việt Nam mới bằng một người Nhật có manh mối bắt đầu từ cái chỗ này!?
Không như một cháu bé vì không đóng các khoản phí nằm ngoài quy định nên không được dự lễ tốt nghiệp, câu chuyện con gái nhà tôi mặc dù xảy ra cách đây 2 năm nhưng cũng mạo muội kể ra vì có thể đang tồn tại ở đâu đó.
Hồi còn học tiểu học, một hôm về nhà, cháu phàn nàn chuyện nhà vệ sinh ở trường dơ, rồi hỏi xem ba có quen cô hiệu trưởng không.
Tôi hỏi tại sao hỏi vậy thì con "mách": "Bạn V lớp con khoe vì có mẹ quen cô hiệu trưởng nên được đi vệ sinh ở toilet giáo viên sạch sẽ, có xà bông thơm rửa tay...".
Cả xã hội đều biết lương giáo viên thấp không đủ sống. Không ít phụ huynh thì phàn nàn ngoài cổng trường, nhưng sẵn sàng chi những khoản ngoài quy định để tranh thủ sự ưa ái riêng của thầy cô dành cho con mình.
Một bộ phận thầy cô cũng khéo léo biểu tỏ thái độ...
Đó là những trái khoáy đã lâu, sự thay đổi không cần tới những "đề án ngàn tỷ" mà chính ở tâm thế của những người lớn. nhưng dường như không mấy ai để tâm thay đổi.
Phụ huynhTrúc Nguyễn
" alt="Trường học đã lấy học sinh làm trung tâm?" width="90" height="59"/>