Trước khi là một quốc gia sở hữu thị trường game lớn thứ hai trên Thế giới, bản thân Trung Quốc cũng có nỗi lo sợ về nền văn hóa dân tộc mang bề dày 5000 năm lịch sử của mình, họ lo sợ nó sẽ sớm mai một dần theo xu thế phát triển của xã hội hiện đại. Rồi khi cơn bão Game Online tìm tới Trung Quốc, chính phủ quốc gia này đã rất nhanh nhạy trong việc sử dụng sức ảnh hưởng của công nghệ số đối với lớp trẻ mới hình thành.
Cụ thể là việc chính phủ tạo điều kiện cho các công ty phát triển và phát hành game tại Trung Quốc, với các thể Game Online mang đề tài Tam Quốc và Kiếm Hiệp được các công ty game Trung Quốc phát hành, chúng đều sẽ nhận được sự hậu đãi tốt nhất từ chính phủ.
Tiếp đến sau nhiều năm phát triển, các công ty game tại thị trường Trung Quốc lại có thêm một bước đi khôn ngoan hơn khi đưa ra ý tưởng: Đem những tựa game có bối cảnh đề tài Tam Quốc để đưa vào giảng dạy lĩnh vực sử học, phục vụ chuyên ngành giáo dục quốc gia này. Tất nhiên đây cũng là ý tưởng nhanh chóng nhận được sự tán thành từ cơ quan chính phủ.
Mặc dù vậy, cũng vì sự rộng tay thái quá của chính phủ quốc gia này trong một thời gian dài, nên thị trường làng game Trung Quốc ngày càng xuất hiện nhiều công ty game tự phát, khiến cơ quan chức năng rất khó quản lý về số lượng tên tuổi các công ty, kiểm soát sản phẩm cũng như người sử dụng.
Đối với thị trường Game Online tại Việt Nam, chính vì đi sau sự phát triển của làng game Trung Quốc tới vài năm nên càng dễ dàng chịu sự ảnh hưởng, lệ thuộc về nền văn hóa game từ nước bạn. Hay cách khác, khi các nhà phát triển game tại Việt Nam nghĩ tới việc tự tạo một tựa game trực tuyến mang thương hiệu Việt, thay đổi thị hiếu game thủ Việt thì hẳn đã hơi muộn màng.
Bởi một khi tư tưởng đã thấm nhuần những bộ tiểu tuyết, tác phẩm điện ảnh mang bối cảnh Tam Quốc, Kiếm Hiệp đất nước Trung Hoa, việc thuyết phục một game thủ thuộc thế hệ 7x,8x chịu bỏ thời gian tìm hiểu và gắn bó với một tựa game mang thương hiệu nước nhà thì hẳn sẽ là việc rất khó khăn.
Đối với những nhà phát triển game Việt cũng có thời kỳ hoàng kim của họ, đó là khi lòng tự tôn dân tộc lên tới đỉnh điểm, rất nhiều Studio game tự xắn tay áo, tự đầu tư cả về mặt chất xám lẫn kinh tế để cho ra lòng những sản phẩm game thuần Việt phục vụ thị hiếu game thủ nước nhà lúc bấy giờ.
Ngọn lửa nhiệt huyết trong họ cũng nhanh chóng truyền tới cộng đồng game thủ và nhận được lời khích lệ, động viên ủng hộ từ tất cả mọi người, nhưng có lẽ vì quá bỡ ngỡ, thiếu nguồn vốn đầu tư, thiếu kinh nghiệm làm việc chuyên nghiệp hay chưa thực sự sẵn sàng để kiểm soát ngưỡng cửa phát triển mới cho làng game Việt.
Nhiều nhà phát triển game non trẻ đã nhanh chóng buông tay với khát khao khẳng định thị trường của mình, ngọn lửa ủng hộ game Việt trong cộng đồng game thủ cũng dần ngấm tắt, thị trường một lần nữa lại nhường chỗ cho những tựa game mang nền văn hóa Trung Quốc. Cũng có nhiều ý kiến đánh giá cho rằng, sự lụi bại của việc này phần nhiều liên quan tới vấn đề khó khăn kinh tế mà thị trường Game Việt vấp phải thời bấy giờ.
Nhìn lại thực trạng, các công ty phát triển game thuần Việt nước ta vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt trong vấn đề vốn đầu tư và chính sách tạo điều kiện phát triển từ các cơ quan ban ngành. Nói cách khác, những công ty phát triển game thuần Việt vẫn chưa đủ sức để tự mình thay đổi xu thế thị trường game hiện nay.
Trong tương lai, bối cảnh những tựa game mang gốc gác từ các nước Hàn, Nhật hay Châu Âu được đem du nhập về Việt Nam sẽ là điều rất đáng để các nhà phát hành game nước ta trông mong. Nếu có cơ hội được tiếp xúc và sẵn sàng mở lòng với những tựa Game online đúng chất quốc tế này, game thủ Việt sẽ sớm ngày thay đổi được thị hiếu xưa cũ, cũng như có cái nhìn khách quan hơn đối với các sản phẩm game được nhào nặn từ chính trí lực quê hương mình.
Theo Game4v
">