Theo đó, để chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp kê khai đúng giá chuyển nhượng, nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công an chỉ đạo cơ quan công an các địa phương phối hợp với các cục thuế điều tra xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản có dấu hiệu trốn thuế nhằm răn đe, ngăn chặn và truy thu thuế cho ngân sách nhà nước.
Bộ Tài chính đề nghị nhiều Bộ, ngành địa phương điều tra xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản có dấu hiệu trốn thuế (Ảnh minh hoạ) |
Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Tư pháp, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở tư pháp phối hợp chặt chẽ với các cục thuế tại địa phương yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng hướng dẫn người dân, chủ đầu tư dự án bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản kê khai trên hợp đồng công chứng theo giá thực tế mua bán, làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật, tránh thất thu ngân sách nhà nước.
Tổng cục Thuế được Bộ Tài chính giao chỉ đạo các cục thuế địa phương chủ động phối hợp cơ quan công an, sở tư pháp để đấu tranh xử lý có hiệu quả hành vi trốn thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.
Trên thị trường, giới đầu tư bất động sản còn gọi lại đây là "tiền chênh" hay mua nhà “hai giá”. Ngoài tiền ghi trên hợp đồng mua bán, sẽ là khoản “tiền chênh” có khi cao gần với với giá mua ký trên hợp đồng.
Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã có công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tổng cục Thuế về chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.
Bộ Tài chính cho biết, các trường hợp chuyển nhượng bất động sản giá kê khai trên hợp đồng thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế là hành vi vi phạm pháp luật về thuế, sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Vào khoảng giữa năm 2021, Cục Thuế TP.Hà Nội đã lên tiếng cảnh báo tình trạng vi phạm pháp luật, khai sai giá bất động sản để trốn thuế.
Thực tế trên thị trường bất động sản không chỉ các dự án nhà ở xã hội, nhiều dự án nhà ở thương mại cũng xuất hiện tình trạng bán nhà hai giá. Nhiều dự án liền kề, nhà phố thương mại, đất phân lô tại Hà Nội, Hưng Yên, Thái Nguyên cũng xảy ra tình trạng chênh giá hàng tỷ đồng.
Có dự án liền lề được bán với giá thực tế từ 98 -102 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, tổng giá trị Hợp đồng mua bán (gồm đất và xây thô) thấp hơn so với tổng giá trị của một lô liền kề 71m2 và 115m2 tương ứng là 3,4 và 6,5 tỷ đồng. Số tiền chênh giữa giá trị thực tế khách hàng phải thanh toán so với Hợp đồng mua bán được quy vào mục “cơ hội mua”.
Theo giải thích của các nhân viên môi giới, việc đóng tiền chênh như vậy nhằm 2 mục đích và nó sẽ có lợi cho cả người bán và người mua: Người mua đỡ phải chịu khoản thuế từ số tiền ngoài hợp đồng và cũng có lợi cho chủ đầu tư vì cũng bớt phải đóng thuế.
Chuyên gia bất động sản cho rằng, người mua nhà chấp nhận mua nhà “hai giá” như vậy để đỡ phải chịu khoản thuế từ số tiền ngoài hợp đồng và như vậy là đã tiếp tay cho chủ đầu tư trốn thuế. Trong khi đó, người mua có nguy cơ mất trắng số tiền chênh này, nếu có tranh chấp xảy ra. Đồng thời khiến cho thị trường bất động sản thiếu minh bạch.
Thanh Sơn
Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất bổ sung một số loại thuế liên quan đến thị trường bất động sản (BĐS) như thuế tài sản nhà ở nhằm ổn định thị trường, hạn chế đầu cơ…
" alt=""/>Đề nghị Bộ Công an điều tra việc khai gian trốn thuế mua bán nhà đất